Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Xung quanh việc thành lập chính đảng mới

Mời bạn xem: http://lekhasy.vnweblogs.com  http://holam.vnweblogs.com  http://lekhasy.blogspot.com

Gồm các bài viết:
.
-Phản ứng của Gs Vũ Minh Giang trả lời phỏng vấn BBC
-Phản ứng của Nhà báo Trọng Đức đăng trên báo QĐND
-Ý kiến của Gs Ngô Đức Thọ, đăng trên trang Nhà văn Lê Xuân Quang
-Bài viết của Luật sư Lê Hiếu Đằng về chủ trương thành lập chính đảng, trả lời p/v RFA (để biết nguyên nhân gây phản ứng)
-Hồ Ngọc Nhuận, trên BBC
-Phạm Đình Trọng, đăng trên trang Nv LXQ  
.
.Sỹ em đưa bài các bác lên đây để làm căn cứ tranh luận, rằng:

Sỹ em chẳng muốn có đảng nào
Sinh ra đảng là sinh rách việc
Lúc đầu tuyên truyền đảng nào cũng tốt
Cũng vì dân vì nước đấu tranh
Nhưng rồi lấn át dần dần
Cưỡi cổ đè đầu dân mà cai trị ! 

Cứ xem thời Đinh - Lê - Lý
Cả thời Nhà Trần
Làm gì có đảng "vì dân"
Mà vẫn thống nhất giang sơn
              vẫn dân giàu nước mạnh !
.
Cái thời Gia Long, Minh Mệnh
Tiếng là phong kiến "bất lương"
Chẳng có đảng nào chỉ lối đưa đường
Biển đảo, đất liền vẫn vẹn toàn, tự chủ
.
Cắn cỏ cắn rơm xin các chú
Chớ duy trì, phát triển"vòng kim cô"
"Cứng cổ" như em mà cũng khiếp
Mỗi khi nghe nói đến chữ đờ (đ) !
                                                                    *

Căn cứ đâu để lập chính đảng mới ?

Cập nhật: 12:25 GMT - thứ bảy, 17 tháng 8, 2013
Giáo sư Vũ Minh Giang
Giáo sư Giang chưa thấy cơ sở pháp lý nào ở VN hiện nay cho phép thành lập chính đảng mới
Hiện chưa thấy có cơ sở pháp lý nào để cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở Việt Nam, bên cạnh Đảng Cộng sản, tuy việc tư duy về các dự án chính trị, xã hội, kể cả mong muốn, nhu cầu lập đảng mới thuộc phạm trù tự do tư tưởng và là quyền tự do của mỗi người, theo Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 17/8/2013, bình luận về lời kêu gọi thành lập đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội do nhóm của luật gia Lê Hiếu Đằng, quan chức thuộc Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, đảng viên cộng sản lâu năm, đưa ra, Giáo sư Giang cho rằng nếu có vấn đề nào mà dự án chính trị này có thể gặp thách thức thì đó chính là các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
Giáo sư Giang, nguyên thành viên Hội đồng lý luận trung ương, cơ quan cố vấn của BCH Trung ương Đảng, cho rằng trong quá khứ chưa xa, Đảng cộng sản Việt Nam từng có giai đoạn cầm quyền bên cạnh hai đảng phái khác.
"Trong lịch sử Việt Nam kể từ khi sau cuộc Cách mạng tháng 8/1945, trong hệ thống chính trị từng có tồn tại một cơ cấu có những đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó gọi là Đảng Lao động Việt Nam, thí dụ như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội v.v...
"Cho nên tôi cho rằng việc ở đâu đó có những người hoặc có những nhóm người xuất phát từ những quan niệm, những mong muốn mà họ có những đề xuất này khác, tôi cho cũng là hiện tượng bình thường thôi."
Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng chưa thể dự đoán được khi nào Việt Nam xuất hiện thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng cho rằng lý luận của một nhóm nào đó nói 'đa thành phần kinh tế ở hạ tầng cơ sở thì cũng có thể mở đường cho nhu cầu đa nguyên, đa đảng xuất hiện tương ứng ở thượng tầng kiến trúc' có thể chỉ là suy luận lôgic hình thức.
Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi phẩn cuối của cuộc trao đổi giữa Giáo sư Vũ Minh Giang với Quốc Phương của BBC .

'Kiểm soát quyền lực' - chìa khóa cho VN

Cập nhật: 12:29 GMT - thứ bảy, 17 tháng 8, 2013
Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhà sử học cho rằng chìa khóa đổi mới và phát triển của VN hiện nay và tương lai là kiểm soát quyền lực
Ở phần hai cuộc trao đổi với BBC hôm 17/8/2013, nhân có lời kêu gọi thành lập một chính đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội, do nhóm của luật gia Lê Hiếu Đằng đưa ra, Giáo sư Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm đâu là chìa khóa chính đảm bảo công cuộc cải tổ chính trị - xã hội lành mạnh và ôn hòa cho Việt Nam.
Ông nói: "Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam hiện nay đang rất cần kiểm soát quyền lực.
"Hệ thống đó, làm sao để vai trò giám sát của dân, của các tổ chức dân sự ngày càng nhiều hơn, đối với quyền lực nhà nước, cũng như quyền lực của Đảng."
Giáo sư Giang cho rằng quốc tế có thể ủng hộ các cơ chế giám sát như vậy ở Việt Nam, bên cạnh người dân.
Ông nói: "Quyền lực không phải là vô cùng tối thượng, mà nó phải có giới hạn và phải có kiểm soát quyền lực."
Nhà sử học cho rằng các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam hiện nay cũng "sẵn sàng chứ không phải là ngại ngần lắm" trong việc mở rộng không gian và điều kiện để cơ chế kiểm soát quyền lực có thể được mở ra với quốc tế.
Tuy nhiên, ông chưa cho biết việc mở cửa cơ chế này có thể diễn ra vào thời điểm nào.
Trước hết Giáo sư Vũ Minh Giang nêu quan điểm và dự đoán khả năng phản ứng của người dân tại Việt Nam trước giả thuyết có trưng cầu dân ý mở ra lúc này về việc họ có mong muốn giải thể hệ thống chính trị đơn nguyên hay hệ thống 'độc đảng' nắm quyền hay không.
Xin mời quý vị theo dõi phần đầu cuộc trao đổi giữa BBC với Giáo sư Vũ Minh Giang.

Trên BBC TIẾNG VIỆT

------------------------------------
19 Aug.2013

Đôi điều với tác giả

“Viết trên giường bịnh”

Posted by basamnews on August 19th, 2013
Quân đội nhân dân
Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”
Chủ Nhật, 18/08/2013, 20:15 (GMT+7)
QĐND – Vừa qua, trên một vài trang mạng xuất hiện bài “Viết trên giường bịnh” của tác giả Lê Hiếu Đằng với nội dung xuyên suốt cổ xúy “đa nguyên, đa đảng” tại Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới, báo chí đã không ít lần đề cập và đã có nhiều học giả hiểu cao, biết rộng phân tích nông sâu mọi nhẽ. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn trao đổi lại một số điều mà tác giả đưa ra.

1. Sau khi kể lại quá trình hoạt động và được kết nạp vào Đảng của bản thân, ông Lê Hiếu Đằng có nhắc đến “một kỷ niệm khó quên”. Đó là việc khi ông đang bị chính quyền Thừa Thiên – Huế (dưới chế độ cũ) “cầm tù”, nhờ có lá đơn của bố ông nên ông được “cho ra tù” để đi thi. Sau đó, ông nêu câu hỏi: “Tôi không biết với chế độ được gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”.
Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng với những người vi phạm pháp luật, bị phạt tù và đã chấp hành xong hình phạt tù, pháp luật Việt Nam, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam không cấm họ dự thi đại học. Chàng trai Phan Hợi (sinh năm 1983, quê ở Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) thi đỗ đại học sau khi ra tù mà báo chí đã nhắc tới là ví dụ cụ thể nhất minh chứng cho điều này.
2. Với lập luận “cơ sở hạ tầng như thế nào thì phản ánh lên kiến trúc thượng tầng như thế đó”, ông Đằng viết, khi đã chấp nhận nhiều thành phần kinh tế khác nhau (cơ sở hạ tầng), thì tất yếu phải đa nguyên, đa đảng (thượng tầng) để bảo vệ quyền lợi của các thành phần kinh tế khác nhau ấy và kêu gọi thành lập lại những đảng “đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán”.
Nếu đã dẫn học thuyết Mác – Lê-nin, chắc ông Đằng cũng không quên, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi. Không phải cơ sở hạ tầng có cái gì thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có cái ấy. Chẳng hạn, Việt Nam cũng như bất cứ nền kinh tế mở nào khác trên thế giới đều có thành phần kinh tế nước ngoài (các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các doanh nghiệp góp vốn liên doanh, mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước). Điều đó không có nghĩa (cũng chẳng có nước nào cho phép) nhất thiết phải tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy.
Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân. Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do “tự giải tán” sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó.
Về vấn đề “đa đảng và dân chủ”, báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào. Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất của mình. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đem lại những quyền lợi cơ bản cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Vậy tại sao ông phải hô hào thành lập đảng đối lập vào lúc này? Đâu có phải cứ đa nguyên, đa đảng là tự nó đã có dân chủ? Đa đảng đối lập ở Việt Nam lúc này, có đúng như các “nhà dân chủ” đã vẽ ra, là sẽ làm cho đất nước dân chủ hơn, phát triển hơn, đời sống nhân dân tốt đẹp hơn? Hay sẽ diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, đổ vỡ nền kinh tế như đã từng xảy ra ở một số nước mà người gánh chịu những hậu quả ấy, không ai khác chính là nhân dân? Thực chất các lời khuyên “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” đưa ra gần đây một cách rất “tâm huyết”, chẳng qua chỉ nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi. Thủ đoạn ấy, không ai còn lạ nữa.  
Đúng như ông Đằng nói, từ khi có chủ trương đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tồn tại nhiều thành phần kinh tế. Và chắc chắn ông cũng đã thấy, từ khi đổi mới, bất kỳ thành phần kinh tế nào cũng được tự do phát triển nếu không vi phạm pháp luật, không kinh doanh những mặt hàng bị cấm, hay lậu thuế, trốn thuế, không vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động… Chính từ chủ trương đó, nên Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới sản xuất, kinh doanh. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng không hề cản trở bất kỳ sự tự do kinh tế nào tại Việt Nam. Khi ông nói: “Điều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước”, không biết là dựa trên căn cứ nào.
3. Ông Đằng cũng nhắc tới lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Chắc ông không quên, đường lối ngoại giao mềm mỏng cũng là truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Việt Nam là dân tộc chuộng hòa hiếu, chưa bao giờ và không bao giờ muốn gây sự với bất cứ nước nào, dù lớn hay nhỏ, trên thế giới, trừ phi quyền độc lập, tự chủ của dân tộc, chủ quyền lãnh thổ bị chà đạp, xâm phạm và không còn sự lựa chọn ngoại giao nào khác. Đường lối ngoại giao mềm mỏng không có nghĩa là lệ thuộc. Bất cứ sự kích động chiến tranh nào trong khi vẫn còn những lựa chọn giải pháp ngoại giao đều đi ngược lại truyền thống ngoại giao của cha ông, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Chiến tranh xảy ra, ông quá biết, sẽ đồng nghĩa với việc hy sinh xương máu, mất mát về kinh tế, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Điều đó cũng đi ngược với xu thế của thế giới hiện đại. Đất nước ta trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, chúng ta quá hiểu giá trị của hòa bình. Trách nhiệm của chúng ta là bằng mọi cách giữ vững môi trường hòa bình để dựng xây, phát triển đất nước. Còn dĩ nhiên, chủ quyền quốc gia, độc lập tự do của đất nước là thiêng liêng, chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá.
4. Ông Đằng nói, để có tự do, dân chủ thì phải thực hiện “tam quyền phân lập”, tức là quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp phải độc lập hoàn toàn với nhau. Tuy nhiên, đây là quyền lựa chọn của mỗi quốc gia. Trên thực tế, mỗi nguyên tắc phân công quyền lực Nhà nước đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việt Nam lựa chọn nguyên tắc thể hiện được cao nhất quyền lực của nhân dân, nguyên tắc “tập trung quyền lực”. Theo đó, ở Việt Nam, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân trao quyền đó cho cơ quan đại diện cao nhất của mình là Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyết định việc phân công quyền lực cho các cơ quan khác thông qua Hiến pháp, pháp luật (nhưng khi đã thông qua Hiến pháp, pháp luật thì buộc Quốc hội cũng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật). Như trên đã nói, Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Do vậy, việc Quốc hội Việt Nam được trao quyền lực cao nhất chính là sự thể hiện tính dân chủ cao nhất. Cũng phải nói thêm, điều đó không có nghĩa hệ thống tư pháp, cụ thể là tòa án, không có quyền độc lập trong phán quyết. Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, tòa án nhân dân Việt Nam khi xét xử chỉ nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xét xử theo quy định của pháp luật, không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Ông Đằng đã từng giữ chức vụ nhất định trong một cơ quan dân cử, chắc chắn ông đã biết, ngay cả cơ quan dân cử cũng không có quyền “chỉ đạo” tòa xử án. Do vậy, lo ngại của ông là không có căn cứ.
Ông Đằng cũng nói, “con người khác con vật ở chỗ là có tự do”. Thiết nghĩ, nếu nói cho đúng hơn phải là “con người khác con vật ở chỗ biết xác lập quyền tự do trong khuôn khổ có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc và của nhân loại”. Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật.
Cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài báo nên chỉ có thể trao đổi một vài điều như vậy, nếu có làm ông phật lòng, cũng mong ông thông cảm.
TRỌNG ĐỨC
Nguồn: Quân đội nhân dân

 ----------------------------------
19 Aug.2013

GS NGÔ ĐỨC THỌ Không rõ

Tác giả: Admin   Phân loại:Tin tức nóng
  Lớn | Vừa | Nhỏ

TRAO ĐỔI VỚI GS. VŨ MINH

GIANG, NGUYÊN PGĐ ĐẠI HỌC

QUỐC GIA HN - BÀI 2

Về ý kiến của ông GS Vũ Minh Giang trên BBC
Giáo sư Ngô Đức Thọ

Do PV BBC mà ông GS Vũ Minh Giang trở thành người đầu tiên của ĐCS lên tiếng về Lời kêu gọi thành lập Đảng XHDC VN do các ông Lê Hiếu Đằng- Hồ Ngọc Nhuận đề xướng! Chắc hẳn đó là do cái "tính Đảng" nhạy bén của ông Giang , chứ lãnh đạo cấp cao thường đọc “châm rãi”, chưa có thì giờ để phân công cho ai phản hồi ! Theo tôi,̀ có lẽ không phải ông Giang nói loanh quanh đâu. Hai ông đề xuất lập Đảng XHDC để hoạt động đối lập với ĐCSVN, nhất là bài ông Hồ Ngọc Nhuận kêu gọi Phá Xiềng-đã gồng người lên để phá xiếng mà còn phải tìm cơ sở pháp lý của ĐCS thì còn nói phá cái gì ? Tất nhiên là trong Hiến Pháp hiện hành (chưa sửa đổi) vẫn đã có quyền lập hội, nhưng ngay cả không có hoặc bỏ quyền ấy đi, ai thấy cần người ta cứ lập. Ông Giang chưa biết mấy người đề xướng kia ứng phó ra sao với nhà cầm quyền,
có thể không cần phải khúm núm đội đơn đi xin phép, nhưng các nhà khởi xướng sẽ có một cách nào đó hợp hiến, hợp pháp để thông báo cho chính quyền sở tại biết hoạt động quang minh chính đại của họ thì sao? Chưa gì ông Giang quá lo xa (cho họ?), liên tục truy vấn : “Căn cứ pháp lý đâu?” “Căn cứ pháp lý đâu?”. Bảo người ta phải chờ hoặc mang đơn từ lễ vật đi van nài hưởng ơn “ xin - cho” để có “căn cứ pháp lý", thì thà ngủ khèo đến mùa quýt cho khỏe! Có "căn cứ pháp lý" rồi về lập "đảng mới " làm "quân xanh quân đỏ" cho ĐCSVN ư? Đã có ông GS Vũ Minh Giang mở đầu, vài ngày hay vài tuần tiếp theo chắc sẽ cấp tập xuất hiện đủ mọi "khuôn mặt", từ tầm tầm đến “nổi”danh dày dạn sẽ liên tục chửi rủa, vu khống bôi nhọ những người đề xướng, mà bài mẫu vẫn là câu truy vấn “Căn cứ pháp lý đâu?”mà ông GS Vũ Minh Giang đã dùng trong bài PV đài BBC vừa rồi.
PV Quốc Phương phỏng vấn ông Giang sớm thế là muốn thăm dò xem giới Đại học VN có cảm đông đậy gì về vấn đề nóng sốt nhạy cảm bậc nhất này không? Than ôi, cứ tìm mấy người như ông Vũ Minh Giang mà PV thì còn khuya mới thấy có gì cảm động đậy!
7-8-2013
Nguồn: Ngô Đức Thọ blog

 -------------------------------------------------------------
19 Aug.2013
Kêu gọi thành lập đảng

Dân chủ Xã hội

Nghe bài này
(Nghe LÊ HIẾU ĐẰNG trả lời RFA)
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-18

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM
Infonet
Nghe bài này
Dư luận tại Việt Nam hiện đang chú ý đến thông tin một đảng mới được khởi xướng bởi ông Lê Hiếu Đằng. Ông này từng là phó tổng thư ký UB TW Liên Minh Các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1989 đến năm 2009.
Lý do nào để ông này đưa ra ý tưởng đó và cơ sở của việc hình thành nên một đảng mới như thế ra sao?
Muốn cho một xã hội phát triển
Ông Lê Hiếu Đằng: Sở dĩ tôi suy nghĩ phải thành lập một đảng chính trị mới song song cùng với Đảng Cộng sản vì trong bất cứ sự phát triển của xã hội nào cũng cần phải có những ý kiến khác nhau mới tích cực được. Chứ còn chỉ một chiều, một đảng toàn trị thì không thể nào xã hội phát triển. Do đó việc hình thành một đảng chính trị mới mà đảng này có nguồn gốc quá khứ chứ không phải bỗng nhiên nó có: tức trước đây Việt Nam có ba đảng, ngoài năm 1946 còn có những đảng như Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt …
Thế nhưng hai đảng Dân chủ và Đảng Xã hội bị Đảng Cộng sản bức tử, giải tán một cách ngang nhiên; bây giờ tôi muốn khôi phục lại nhưng không phải Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội một cách hình thức; mà làm phải làm thật có tính chất đối lập.

Trong bất cứ sự phát triển của xã hội nào cũng cần phải có những ý kiến khác nhau mới tích cực được. Chứ còn chỉ một chiều, một đảng toàn trị thì không thể nào xã hội phát triển
Ông Lê Hiếu Đằng
Có người đặt vấn đề tình hình đã chín muồi chưa?
Ý của tôi thế nào gọi là tình hình chín muồi. Theo tôi tình hình cũng đã chín muồi rồi; tức xã hội Việt Nam về kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa quá xuống cấp. Lo ngại nhất là vấn đề kinh tế và giáo dục. Về vấn đề độc lập, ngoài vấn đề Biển Đông ra không hiểu sao Nhà nước Việt Nam để cho Trung Quốc vào tràn lan nhất là ở các vùng chiến lược như Tây Nguyên, thậm chí kể cả Cà Mau, dưới dạng những nhà thầu kinh tế nhưng thực chất là những vùng Trung Quốc họ hình thành nên khu vực riêng của họ mà dân Việt Nam không vào được. Tôi thấy đó là tình hình hết sức nghiêm trọng. Do đó tôi nghĩ phải có một đảng chính trị mới làm vai trò đối lập.
Tôi cũng nói thêm ý này nữa cho rõ: tôi chủ trương đảng này hoạt động trong vòng hợp pháp chứ không phải bí mật. Tất nhiên khi có chủ trương như vậy chúng ta phải làm từng bước như vận động, rồi đến có nhiều người tán thành.
Có người nói chưa chín muồi. Thế nào là chưa chín muồi? Chúng ta phải tác động đến xã hội dân sự, tác động để cho tình hình chín muồi phải bụ ra, những ‘cái mưng mủ’ phải bục ra mới được. Chứ còn chờ thì biết đến bao giờ mới chín muồi; nếu mình không hành động, không làm. Do đó theo tôi nhân thời cơ góp ý hiến pháp, nhân tình hình kinh tế- xã hội quá xuống cấp; nhất là dựa vào khát vọng của nhân dân Việt Nam về rất nhiều vấn đề, tôi đặt vấn đề như vậy.
Gia Minh: Ông vừa đề cập sơ lược đến chủ trương và tên gọi của đảng là Dân chủ Xã hội, hẳn nhiên ông cũng nghĩ đến những tôn chỉ chính của Đảng?
Ông Lê Hiếu Đằng: Thật ra tôi mới nghĩ thôi; nhưng sỡ dĩ tôi chọn tên Đảng Dân chủ Xã hội vì trước đây tại Việt Nam có hai đảng đó, nay nhập chung thành Đảng Dân chủ Xã hội. Hiện nay hệ thống dân chủ xã hội trên thế giới là hệ thống tương đối tiến bộ. Ở Pháp có Đảng Xã hội, và nhất là ở các nước Bắc Âu, hay những nước khác… Tôi nghĩ mình sẽ nằm trong hệ thống chung như vậy thì sẽ có sự giúp đỡ tích cực của quốc tế, của thời đại. Như thế sẽ tăng cường sức mạnh; nhưng nội lực vẫn là nhân dân Việt Nam. Khuynh hướng dân chủ- xã hội là khuynh hướng tiến bộ hiện nay. Ngay Mác trong thời kỳ già ông ta cũng chuyển qua hướng dân chủ xã hội trong đường lối quốc tế rồi. Nói thật các vị lãnh đạo chỉ học thời kỳ Mác trẻ là đấu tranh giai cấp… mà không nghiên cứu thời kỳ già của ông ta.
Sỡ dĩ tôi chọn tên Đảng Dân chủ Xã hội vì trước đây tại Việt Nam có hai đảng đó, nay nhập chung thành Đảng Dân chủ Xã hội. Hiện nay hệ thống dân chủ xã hội trên thế giới là hệ thống tương đối tiến bộ. Ở Pháp có Đảng Xã hội, và nhất là ở các nước Bắc Âu, hay những nước khác
Ông Lê Hiếu Đằng
Người ta phải từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà theo xu hướng tiến bộ dân chủ xã hội đó là bảo vệ nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường; tức cho con người và vì con người. Rõ ràng đó là mục tiêu nếu có Đảng Dân chủ Xã hội phải xây dựng trên cơ sở đó.
Gia Minh: Ông thấy đã có những thành phần có thể tham gia Đảng Dân chủ Xã hội như thế trong xã hội chưa?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ có cơ sở: có những đảng viên Đảng Cộng sản mà tôi biết ( bạn bè tôi) có người cương quyết ra khỏi đảng, có người giấy sinh hoạt đảng chuyển về địa phương họ bỏ trong ngăn kéo, không sinh hoạt. Trên thực tế có người đã ra khỏi đảng như ông Phạm Đình Trọng, anh Kha Lương Ngãi, phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Gải Phóng trước đây, và một số người mà tôi biết được cũng khá đông tán thành việc hình thành đảng chính trị mới. Tôi nghĩ thành phần này không phải ít.
Tại sao tôi có ý kiến như thế? Thật ra tôi hoạt động trong hệ thống mặt trận trên 20 năm, tôi biết trong hệ thống chính trị của Việt Nam thì Mặt Trận hay Quốc hội chỉ là hình thức thôi, những công cụ được công khai hóa. Và với yếu tố không được, cấm đa nguyên- đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng Cộng sản chứ chưa được thể chế hòa thành văn bản luật pháp nào cả. Do đó chúng ta phải sống và làm việc theo luật pháp; có nghĩa những gì luật pháp không cấm thì chúng ta làm. Đó là quyền công dân của chúng ta. Và điều này phù hợp với xu thế phát triển. Việt Nam có điều kỳ cục là hòa nhập với thế giới, tham gia những định chế quốc tế để chủ yếu lấy phần lợi, trong khi để lấy phần lợi về nhân quyền, dân quyền cho người dân thì lờ đi; đổi mới về mặt kinh tế mà không đổi mới về mặt chính trị. Có một xã hội dân chủ thực sự với những đảng đối lập, theo tôi nghĩ đó là điều rất lành mạnh.
Gia Minh: Cám ơn ông
----------------------------------------------------

Vận động thành lập đảng Dân chủ Xã hội

Cập nhật: 11:12 GMT - thứ sáu, 16 tháng 8, 2013 (BBC TIẾNG VIỆT)
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM Hồ Ngọc Nhuận nói ông và một số người cùng chí hướng đang nỗ lực vận động thành lập đảng mới để đối lập với Đảng CSVN.
Đây là ý tưởng do ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra trong một bài viết mới ra vào giữa tháng Tám này.
Ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, nói với BBC chính đảng mới sẽ không nhằm chống đối Đảng CSVN, mà cùng hợp tác để thúc đẩy "xây dựng dân chủ cho nước Việt Nam".
"Có một đảng thì không thể có dân chủ. Một đảng cầm quyền từ năm nay qua năm khác, nắm hết mọi thứ, mọi tổ chức, thì không thể gọi là có dân chủ."
Ông Nhuận cho rằng các đảng viên CS kỳ cựu như ông Lê Hiếu Đằng đã hết sức "kiên nhẫn" nhưng Đảng CSVN ngày càng tỏ ra "độc đoán, độc tài, chuyên chế".
Đảng Dân chủ Xã hội sẽ "góp sức làm việc, xây dựng dân chủ" với Đảng CSVN.
 ------------------------------------------------
19 Aug.2013

CÓ ĐỦ CĂN CỨ PHÁP LUẬT CHO

SỰ RA ĐỜI CỦA NHỮNG

CHÍNH ĐẢNG MỚI

Posted by basamnews on August 18th, 2013
Phạm Đình Trọng
Trả lời phóng viên đài BBC, ông giáo sư Vũ Minh Giang, thành viên hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Đề xuất việc thành lập đảng chính trị, nhất lại là đề xuất của những người đang là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam thì đấy là nguyện vọng nào đó, mong muốn nào đó của cá nhân hay nhóm cá nhân nào đó.  .  . nhưng mong muốn đó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật .  .  . Theo hiểu biết của tôi thì chưa có hệ thống (pháp luật) đó” Và “Nhiều thành phần kinh tế phải có đa nguyên đa đảng chỉ là logic hình thức”. *

Ấp úng, quanh co, ông giáo sư trong Hội đồng lí luận Trung ương nói rất dài cũng chỉ đưa ra một nội dung rất ngắn và hồ đồ là: Chưa có căn cứ pháp lí cho việc thành lập chính đảng mới.
Thưa nhà lí luận của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam, giáo sư Vũ Minh Giang.
Với một thể chế, một xã hội lành mạnh và tử tế thì Nhà nước và pháp luật được hình thành theo một qui trình: Nhân dân lựa chọn và bầu cử ra những người quản lí xã hội được gọi là Nhà nước và Nhân Dân trao quyền cho Nhà nước để thực hiện chức trách trước Nhân Dân.
Kẻ có quyền thường lạm quyền để vụ lợi và áp bức người Dân thân cô thế yếu. Từ đó pháp luật phải ra đời. Nhà nước lại được người Dân ủy quyền soạn thảo ra pháp luật để quản lí xã hội và điều quan trọng hơn cả của pháp luật là ngăn chặn sự lạm quyền của kẻ cầm quyền để bảo vệ người Dân thấp cổ bé họng. Để bảo vệ người Dân, nguyên tắc thực thi pháp luật là: Quan chức chỉ được làm những việc pháp luật cho phép còn người Dân được làm mọi việc pháp luật không cấm.
Với thể chế Cộng sản, với xã hội Việt Nam thời Cộng sản, người Dân bị gạt ra ngoài rìa trong qui trình bầu chọn lập nên Nhà nước, trong việc hình thành xây dựng pháp luật. Nhà nước của Đảng. Quốc hội của Đảng. Chính phủ của Đảng. Đến các tổ chức xã hội cũng của Đảng nốt. Pháp luật cũng chỉ để bảo vệ sự độc tôn thống trị xã hội của đảng Cộng sản mà thôi. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, người Dân Việt Nam vẫn có đủ căn cứ pháp lí để lập lên chính đảng của mình khi cần thiết. Những căn cứ đó là:
1.  Không có luật nào và không có điều luật nào cấm người dân lập chính đảng. Người Dân được làm mọi việc pháp luật không cấm. Người Dân có đầy đủ quyền lập chính đảng của mình.
2.  Hiến pháp hiện hành cho người Dân quyền lập chính đảng khi điều 69 Hiến pháp 1992 hiện hành ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận. tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật.
Hội và đảng chỉ là hai cách gọi khác nhau của một tổ chức chính trị. Như khi đảng Cộng sản Đông Dương muốn giấu mình đi liền đổi tên thành hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Người Dân có quyền lập hội đương nhiên cũng có quyền lập đảng. Nhà nước chưa có luật về lập hội chưa có luật về tự do ngôn luận, tự do báo chí là trách nhiệm, là thiếu sót của Nhà nước. Không thể vì thiếu sót của Nhà nước mà tước đoạt quyền công dân cơ bản mà Hiến pháp đã bảo đảm cho người Dân.
3.  Điều 52 của Hiến pháp 1992 hiện hành cho người Dân được quyền: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hơn ba triệu công dân Việt Nam có quyền lập lên đảng Cộng sản Việt Nam vậy thì hơn tám mươi triệu người Việt Nam còn lại cũng có quyền lập lên đảng chính trị của mình. Đó là là cơ sở pháp lí vững chắc bảo đảm cho mọi công dân Việt Nam được bình đẳng với những công dân đảng viên Cộng sản. Cấm công dân lập đảng chính trị của mình là vi phạm điều 52 Hiến pháp.
Khi ông giáo sư thành viên Hội đồng lí luận Trung ương lớn tiếng nói rằng nhiều thành phần kinh tế phải có đa đảng chỉ là logic hình thức là ông đã lớn tiếng bảo rằng chủ nghĩa Mác Lê nin chỉ là logic hình thức, không có thực chất, không có nội dung, là ông đã thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin mà đảng Cộng sản của ông đã lấy làm nền tảng tư tưởng.
Tất cả sự lụn bại của xã hội Việt Nam, sự nguy khốn của dân tộc Việt Nam hiện nay là do sự thao túng quyền lực của một đảng độc tài theo đuổi một học thuyết sai lầm và tội lỗi, một đảng không vì lợi ích dân tộc mà chỉ vì lợi ích của một nhóm người cầm quyền trong đảng độc tài đó. Một đảng chính trị mới ra đời là đòi hỏi khẩn thiết của cuộc sống, của lịch sử, là bước phát triến tất yếu và lành mạnh của xã hội Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét