Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Ngược phía Tây


Mời bạn xem: http://lekhasy.vnweblogs.com  http://holam.vnweblogs.com  http://lekhasy.blogspot.com
.

HÀNH TRÌNH TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG VUI
                                             Ghi chép của Lê Khả Sỹ
Sương giăng đỉnh núi
Nước phủ lên trời
Những đoàn tàu trên đường sắt phía Tây
Chuyến chuyến bình yên đưa khách về trăm ngả  
(ảnh trên mạng)

Niềm vui của vận tải đường sắt trước hết là an toàn chạy tàu, giữ bình yên cho hành khách đi lại thoải mái. Có thể nói, tuyến đường Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai 300 km xứng đáng xếp vào hàng an toàn nhất trên hệ thống đường sắt Việt Nam. Một nửa tuyến đường này chạy men theo chân núi trên bờ sông Hồng ; có nhiều đường cong bán kính nhỏ và qua nhiều cầu cống chịu lưu lượng lũ với dòng chảy lớn. Những năm gần đây, hàng ngày cả tàu khách tàu hàng gần 30 chuyến chạy trên đường là mật độ chỉ sau tuyến Hà Nội – Sài Gòn, nhưng cũng nhiều năm an toàn trên mọi phương diện. Bảo đảm cho đường sắt chạy tàu an toàn gồm nhiều bộ phận như: quản lý cầu đường, thông tin tín hiệu, nhà ga, đầu máy toa xe, các đơn vị vận dụng toa xe khách, toa xe hàng. Tất cả phải có sự phối hợp liên hoàn như một guồng máy.

Đường sắt Hà Nội – Lào Cai đến nay vẫn khổ đường 1m là loại lạc hậu nhất thế giới, vẫn còn dùng máy điện thoại nam châm quay số liên lạc giữa hai ga và chỉ mới một nửa số ga bán tự động cho công việc quay ghi và tín hiệu đèn màu. Được biết, kinh phí Nhà nước cấp cho sửa chữa phần hạ tầng mỗi năm trên dưới 1.600 tỷ VNĐ (chưa kể đại tu và phòng chống lụt bão), số kinh phí ấy nghe ra không ít nhưng chưa đáp ứng so với yêu cầu của thực trạng cầu đường già cỗi xuống cấp. Đây là yếu tố gây nên hạn chế tốc độ, kéo dài hành trình Hà Nội – Lào Cai 10 giờ đồng hồ, bình quân 30km/h. Nêu lên như thế để thấy việc bảo đảm an toàn chạy tàu trên tuyến đường này không dễ và thấy sự bất cập giữa cơ sở hạ tầng với mật độ đoàn tàu lưu hành trên tuyến, đáp ứng cho nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa, nhất là khối lượng quặng apatit và đá công nghiệp khá lớn.

Tôi làm cuộc hành trình ba ngày ba đêm bằng tàu hỏa, ô-tô và cả xe ôm đến 8 nơi thuộc 4 đơn vị dọc đường sắt, đi trên 1 đoàn tàu du lịch và 4 đoàn tàu chợ. Mệt nhưng vui khi thấy những  con người chịu khó chịu thương hết mình lo tròn nhiệm vụ dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Về cầu đường, từ khi liên tiếp trong 17 ngày xảy ra ba vụ tai nạn đường ngang trên 57 km thuộc tuyến Hà Nội – Phòng, nhiều người nói đường ngang là cái bẫy của tử thần, thế nhưng tôi đến bốn đường ngang trên khu đoạn Việt Trì – Phú Thọ thì không như thế. Được biết, đã nhiều năm chưa xảy ra tai nạn đường ngang do phía đường sắt gây nên trên suốt khu đoạn gần trăm cây số thuộc công ty Quản lý đường sắt Vĩnh Phú duy tu bảo quản, cả những điểm phức tạp như km 76 + 500, 77 + 000, 81 + 215, 83 + 473, 90 + 400, 39 + 380 cũng giữ được an toàn.  Ở Cty này, số nhân viên gác chắn chiếm gần 27% tổng số CBCNV toàn công ty. Từ thiết bị chắn đường, thông tin liên lạc đến nhà lưu trú làm việc của nhân viên được quan tâm trang cấp đầy đủ. Đặc biệt là chế độ kiểm tra giám sát và quy chế thưởng phạt khá nghiêm khắc nên mới duy trì được an toàn nhiều năm như thế. Mặt khác, chăm lo đời sống cho người lao động tốt, thu nhập của nhân viên gác chắn ngang ngang với tuần thủ cầu đường do có sự điều tiết của công ty, không như một số phản ánh lương tháng dưới hai triệu ! Kinh phí BHLĐ theo chế độ, năm nào công ty cũng bội chi, thêm vào là trang bị cải thiện điều kiện lao động cho công nhân, đơn vị nào cũng có phương tiện nghe nhìn, quạt điện, tủ lạnh, sân bóng chuyền ; nhà lưu trú đều ngói hóa, nước sạch đầy đủ và hợp chuẩn thì đứng vào hàng đầu ngành. Đáng ghi nhận là trên khu đoạn này không có tình trạng nhà cung đường đep, nhà ga rách nát như tuyến Đông Anh – Thái Nguyên

Những chắn đường ngang an toàn
.
Chắn đẩy và nhà lưu trú gác chắn, Cty QLĐS Vĩnh Phú

Chắn cần đơn giản có người gác, Cty QLĐS Vĩnh Phú
.
Đường ngang có biển báo và đèn tín hiệu tự động, Cty QLĐS Vĩnh Phú
.
Đường ngang thuộc công ty Quản lý ĐS Yên Lào (ảnh Lao động)
Điểm chắn đường ngang này chưa có đâu sánh bằng !

Tình trạng dân tự mở đường ngang qua đường sắt hiện đang là vấn đề nan giải, nhưng nếu biết cách  làm như các công ty  QLĐS Yên Lào, Vĩnh Phú, Hà Ninh, Sài Gòn thì giảm thiểu được những tai nạn đáng tiếc. Tất nhiên, đòi hỏi hướng giải quyết phải theo quy hoạch mang tính chiến lược, chứ không thể manh mún “chữa cháy” để tạm yên tâm !

Vào dịp cuối hè mà khách ngược Sa Pa vẫn đông

Tàu đỗ tiễn khách ở ga Lào Cai


Tàu LC /-2 do Trưởng tàu Phạm Anh Hoàn, trạm CTTT Hà Nội điều hành.
Chuẩn bị đón khách về xuôi


Tàu LC 3-4 do trưởng tàu Trần Văn Hồng , trạm CTTT Yên Bái  điều hành.
Đến ga Lào Cai.


Tôi lên xuống từng chặng theo bốn đoàn tàu, cả tàu chợ và tàu du lịch đều đông khách. Các tàu khách chạy trên tuyến đường này của XN Vận dụng toa xe khách Hà Nội (VDTXKHN) giao cho ba trạm Công tác trên tàu (CTTT) điều hành phục vụ: Trạm CTTT Hà Nội, trạm CTTT Yên Báitrạm CTTT Thống nhất & Liên vận quốc tế. Sáng 18-9-2013, Tôi lên tàu LC3 (tram CTTT Hà Nội), do  Trưởng tàu Văn Khắc Nam chỉ huy. Là ngày 14 âm lịch nên ít khách, các anh cho biết từ Yên Bái trở lên đỗ tất cả các ga mới có khách lên nhiều.  Tôi xuống Việt Trì đi ô-tô làm dọc đường đến Phú Thọ, sau đó lên tàu YB1 do Trưởng tàu Nguyễn Văn Hồng chỉ huy, đến Yên Bái.  Sáng hôm sau 19-9-2013, lại lên tàu YB2 do Trưởng tàu Ngọc chỉ huy, xuống ga Vũ Ẻn, sau vài giờ lại lên tàu LC3, do Trưởng tàu Trần Văn Hồng chỉ huy đi suốt Lào cai. Các tàu YB1-2 và LC3 nói trên thuộc trạm CTTT Yên Bái điều hành, đã nhiều năm liền bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn hành khách, hành lý. Là một trạm có nhiều khó khăn nhất Xí nghiệp, nhưng luôn giữ vững khối đoàn kết nội bộ và cung cấp nhiều cán hộ cho cấp trên.

Sáng 20-9-2013 tại ga Lào Cai, tôi đón tàu LC1 chạy từ Hà Nội đêm 19-9-2013 do trưởng tàu Phạm Anh Hoàn (trạm CTTT Hà Nội) chỉ huy. Trong lúc khách xuống đông, tôi đóng vai hành khách “bỏ sót hành lý” quay lại đi dọc bốn toa, dù tàu vừa đến ga cuối chưa kịp làm vệ sinh nhưng toa nào cũng sạch. Đoàn tàu này có một hình ảnh khá ấn tượng là anh nhân viên nhà tàu đỡ bao hàng nặng cho cụ già và để cụ bám vào vai bước xuống sân ga. Đáng tiếc lúc đó anh bạn tôi đang cầm máy đứng cách 2 toa, tôi đành bỏ lỡ.

Có thể nói, hiện nay tàu đường sắt đang chiếm được lòng tin của khách về an toàn dù giá vé tàu xuyên Việt cao gần bằng giá vé máy bay và mất nhiều thời gian. Thêm vào đó là cách giao tiếp lịch thiệp chân thành và phục vụ tốt của đội ngũ nhân viên nhà tàu. Tôi cảm phục những anh chị em phục vụ trên tàu, kể cả các anh bảo vệ trong khi thực thi công vụ nhưng với khách vẫn luôn vui vẻ, hướng dẫn tận tình khi họ cần, không đùn đẩy cho nhân viên coi toa. Nhìn chung từ bắc chí nam, cách sống và giao tiếp của nhân viên nhà tàu khác với nhân viên nhà ga ít bị sức ép của “Thượng đế”. Bởi khách ngồi chờ tàu trong phòng đợi có quạt điện, ti-vi, lúc ra cửa kiểm soát có mắc mứu với nhân viên soát vé thì cũng đấu khẩu vài ba tiếng rồi nhanh chân lên tàu, là quên mọi sự ấm ức. Nhưng với nhà tàu, có gì sai sót là các “thượng đế” nhớ in trong óc suốt chặng hành trinh, về viết thư cho Tổng Giám đốc là coi chừng ! Do đó, một số ít nhân viên nhà ga vẫn mang trong đầu ý thức “ngành nước lớn” như cách đây hơn 40 năm, bộ GTVT đã mệnh dành cho ngành Đường sắt khi một phó Vụ trưởng xếp hàng mua vé bị nhân viên bán vé “té tát”. Trong chuyến đi này tôi đã gặp, xin kể cho các bạn nghe nhé ! Sáng 19-9-2013, lúc 6h,06’ tôi ra ga Yên bái mua vé, chưa thấy mở cửa bán vé (theo quy định thì 6h,45 tàu YB2 chuyển bánh), chỉ phòng trực ban làm việc. Thấy có một cô mắt nhắm mắt mở từ trong phòng (có lẽ phòng trưc) đi ra, tôi hỏi: Chị ơi, mấy giờ bán vé ? Cô ta nhìn tôi rồi bước đi, không một lời nói lại. Tôi hỏi mấy anh ở phòng trực ban: cô ta là gì mà cao điệu thế ? Các anh cười, không nói. Tôi thầm nghĩ, loại này mà phục vụ trên tàu thì ba bảy hai mốt ngày được giải ngũ là cái chắc ! Tôi thấy lạ, Trưởng ga Minh lịch thiệp là thế mà sao lại có những nhân viên không được dạy về cách giao tiếp của cái ngành phục vụ ? Hay có dạy mà cô ta đánh mất ? Như thế chẳng hóa ra mất dạy hay sao ?
Tối 20-9-2013, tôi lên tàu SP3 về Hà Nội. Chuyến tàu này đông nghịt khách từ ga Lào Cai, nhìn cung cách xoay trở của Trưởng tàu Trần Đức Xuyến (trạm CTTT Thống nhất & liên vận quốc tế) thì thấy nhà tàu vất vả thật. Cũng đúng thôi, vì doanh thu của ngành Đường sắt quý nào cũng tăng, doanh thu tăng là do có nhiều khách đi tàu, nhiều khách đi tàu thì nhân viên phục vụ vất vả. Còn vất vả hơn mà có được tăng lương hơn hay không lại là chuyện khác (!)

Đến Trung tâm Vận tải hàng hóa (thuộc Cty Vận tải hàng hóa đường sắt)
 .

Theo quy chế thì Trung tâm ngang với xí nghiệp trực thuộc Công ty, nhưng nhìn vào cơ ngơi nơi làm việc, khó ai biết đó là cơ quan (!) Gian nhà “ở nhờ” ga Lào Cai, vì quá chật chội nên phải thuê thêm hai buồng ở nơi khác để có đủ chỗ làm việc. Trong khi đó, khu nhà sở Giao tiếp do ga Lào Cai quản lý hiện bỏ không, thỉnh thoảng cán bộ choai choai của cấp trên đến làm việc lưu trú, còn loại quan to của ngành thì chẳng bao giờ ở lại đó. Được biết, trước đây là nơi làm việc của Trung tâm Vận tải hàng hóa, sau khi chuyển ga Lào Cai về Cty Vận tải khách ĐS Hà Nội thì nhà này cũng chuyển về ga. Thiết nghĩ, cùng trong một ngành, sao lại để nơi thừa nơi thiếu ? Và, không khéo cái cơ sở “thừa” này sử dụng không đúng mục đích theo giấy phép trước đây thì sẽ bị tỉnh thu hồi như nhà nghỉ của XN Đầu máy Hà Lào tỉnh Yên Bái đã thông báo thu lại !

Chuyến hành trình của tôi vui nhiều buồn ít là quý lắm rồi. Mong mọi sự sẽ diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp: Đời sống người lao động khấm khá hơn, bớt dần tình trạng chậm tàu, bộ mặt Đường sắt Việt Nam ngày càng sáng sủa.

Hà Nội, 30-10-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét