Mời bạn xem: http://lekhasy.vnweblogs.com http://holam.vnweblogs.com http://lekhasy.blogspot.com
Kính gửi:
Ông Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nước CHXHCN Việt Nam
Các vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ VI
--*--
.
Tôi
là công dân Lê Khả Sỹ, 77 tuổi, hội viên hội Nhà văn Việt Nam, hội
viên hội Nhà báo Việt Nam, hội viên hội Nhà văn Hà Nội, trú tại phường
Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Anh em trong gia đình tôi chỉ có một
thương binh là lính Cụ Hồ, không có ai đi lính cho chính quyền Việt Nam
Cộng hòa tử trận. Nhưng vì tình người theo truyền thống tốt đẹp của
dân tộc Việt Nam, xin đệ trình bức thư tâm huyết này lên Quốc hội, đề
xuất một vấn đề “khó nói” để mong được Quốc hội quan tâm xem xét.
.
Kính thưa Quốc hội !
Qua
hai cuộc kháng chiến trường kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, nhân dân ta theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không tiếc
sức người sức của và cả hy sinh xương máu để giành độc lập, thống nhất
giang sơn. Ngày nay Việt Nam đã có một vị thế xứng đáng trên trường
quốc tế là nhờ đường lối ngoại giao đúng đắn song song với việc xây
dựng đất nước cơ bản đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và từng bước vươn lên
không thua em kém chị so với các quốc gia trong khu vực, được thế giới
công nhận. Trong hoàn cảnh khó khăn khắc phục hậu quả chiến tranh,
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đền ơn đáp nghĩa đối với các
bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với nước, thương bệnh
binh cả quân đội và lực lượng thanh niên xung phong. Một công việc to
lớn và khó khăn là tìm kiếm, quy tập hàng vạn bộ hài cốt liệt sĩ trên
khắp các bãi sa trường, có lẽ chưa nước nào sau chiến tranh làm được
như thế. Hơn thế nữa, Nhà nước ta đã cùng chính phủ Mỹ hợp tác tìm kiếm
hài cốt tử sĩ của họ giúp chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tham chiến
trên chiến trường Việt Nam. Công việc đó thành công, chẳng những nước
Mỹ mà cả Việt Nam ta đã làm vui lòng nhân dân Mỹ nói chung và đặc biệt
là các gia đình có con em tử trận. Với cách xử thế ấy, để lại ấn tượng
tốt đẹp trong lòng người mãi mãi về sau !
.
Còn
một vấn đề “khó nói” nhưng tôi mạnh dạn kiến nghị với Quốc hội, xin
hãy tha thứ cho tôi nếu có gì chưa đúng ! Tôi không đề cập đến chính
trị, mà nói theo cách xử sự bằng tình đời nghĩa thế của hai chính phủ
Việt Nam và Mỹ đã thể hiện, được nhiều người đồng tình ủng hộ.Vấn đề đó
là: Cuộc chiến tranh hai miền bắc – nam trong hai chục năm, có tử sĩ
của cả hai phía. Tuổi trẻ phía bên nào cũng được nghe lời kêu gọi của Tổ quốc,
bà mẹ, người vợ phía bên nào cũng động lòng khi thấy “Tổ quốc lâm
nguy” mà thúc chồng con ra trận. Oái oăm thay, không ít gia đình có
người thân trong quân ngũ cả hai phía, có tử sĩ cả hai chiến tuyến đối
đầu. Tôi được gặp một Cụ già ở Sóc Trăng vào ngày cuối tháng 3 năm
2004, Cụ phàn nàn: nhà Cụ có hai con tập kết ra bắc, một đứa quay về
gọi là đi B, vào đến căn cứ khoảng một tháng thì xin cấp trên lẻn xuống
thăm nhà bị lộ tung tích, chưa gặp được tui, chúng nó đã bao vây bắn
chết vứt xác xuống sông mùa nước nổi, không được ghi công vì đi việc
riêng, một đứa đi lính cho ông Diệm bị Hòa Hảo bắn chết, một đứa đi
lính cho ông Thiệu tử trận ở Phan Rang, nghe nói vậy nhưng thằng anh nó
mày mò mấy lần chưa tìm được hài cốt đứa nào cả, sắp tới đây tui làm
mâm cúng cho ba anh em chúng nó. Cụ nói “đùa” một câu: không biết ngồi
vào mâm, anh em nó có đập nhau không (?) Tôi nghe mà xót xa cho Cụ ! Có
thể một số trai tráng ở miền Nam lúc đó phải đi lính vì nghĩa vụ,
không thể nào trốn tránh. Nhưng theo lẽ đời mà nói, tự nguyện đi lính
hay phải đi lính, đã chết trên bãi sa trường thì thây xác như nhau cả,
số phận con người như nhau cả. không nên phân biệt ! Sự bình đẳng của
những người đã khuất được thể hiện rất rõ trong văn hóa cổ của Trung
Hoa, chẳng hạn: Một bề tôi là đại thần có tội bị xử trảm (chặt đầu),
nhưng Nhà Vua vẫn ra lệnh cho quần thần tổ chức khâm liệm, mai táng
theo nghi lễ trọng thể. Suy cho cùng, hài cốt các tử sĩ được tìm kiếm
quy tập thì cũng an tâm cho gia quyến, thân nhân ; còn người đã khuất,
về tâm linh mà nói là vong hồn khỏi buồn nơi chín suối. Nếu không được
như thế thì ai cũng như ai, đều hiến thân bón cho cây đời tươi tốt (!)
Bà Mẹ già ngoại tuần bát thập ngồi bên mâm cúng chồng, con, cháu trong ngày 30-4. Một bát hương, 9 đôi đũa, 9 cái bát bày trên chiếc mẹt dấu ấn kỷ niệm một thời cùng đôi quang gánh theo Mẹ ra chợ xuống đồng, tháng ngày tần tảo nuôi con cho chồng ra trận rồi tiếp nuôi cháu cho con ra trận. Bây giờ giữa ngày đại tang cả nước chỉ mình Mẹ đây ! Những ai còn lương tâm nhìn bức ảnh này, chắc không thể nào cầm được nước mắt !
Mọi việc nghĩa đều do hướng thiện, mọi lời nói của các bậc vĩ nhân đều mong tạo ra tương lai tốt đẹp dù hiện tại chưa thấy ngay tức thời. Có câu chuyện: Trò Nhan Tử nói: Nếu người khác dùng thiện ý đối xử với con, con cũng đối xử tốt với họ, nếu người khác không đối xử tốt với con, con vẫn dùng thiện ý đối tốt với họ. Thầy Khổng Tử bình luận: Đây là cách nên làm giữa thân nhân. Nếu các con có thể mở rộng tư tưởng và đối xử với tất cả mọi người trong thiên hạ như thế, thì mới thực sự là dùng thiện tâm để đối xử với người ! Dân gian ta có câu: Làm quan chưa chắc vinh hạnh trọn một đời, làm việc nghĩa thì chắc chắn vinh hạnh nhiều đời cho con cháu ! Lại xin luận tiếp về cách xử thế. Cổ nhân có câu: Sự dĩ vãng bất khả phục truy, các vị lãnh đạo nước ta và Trung Quốc hội đàm sau chiến tranh biên giới từng nói: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai ; Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi sang thăm Việt Nam, trong một cuộc gặp Chủ tich nước Trần Đức Lương, Ngài nhìn các quan chức Việt Nam và vui vẻ trích dẫn câu Kiều Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân. Đầy ý nghĩa cho cuộc bắt tay nhau giữa Việt Nam và Mỹ sau chiến tranh thù địch. Điều đó đã thành sự thật.
.
Quá
khứ khép lại, hận thù quên đi thì ta mới có bạn bè năm châu bốn biển
như ngày nay ; đối với quân nhân mất tích của Mỹ ta còn hợp tác tìm kiếm
thì với tử sĩ thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhưng đều là người
Việt, nên dành cho họ tấm lòng nghĩa cử, ít nhất như Ông Cha ta đã dạy,
thành ca dao Bầu ơi thương lấy
bí cùng / Tuy là khác giống nhưng chung một giàn ; Nhiễu điều phủ lấy
giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng ! Tôi
tin rằng, nếu ta làm được công việc nghĩa cử đó thì cộng đồng trong và
ngoài nước sẽ chung tay góp sức bằng tấm lòng từ thiện. Tất nhiên,
tình cảm dân tộc càng gắn bó, thêm được cơ hội thu phục nhân tâm, tiếng
tốt sẽ muôn đời lưu lại !
.
Vấn
đề thứ hai là đề nghị Quốc hội, Chính phủ: hàng năm không tổ chức kỷ
niệm “ngày toàn thắng 30-4”. Bởi trong hoàn cảnh như thế diễn ra điều
trái ngược đau lòng. Nhiều người gọi là “ngày vui của nước” vì mở hội
hát hò cờ giong trống đánh, nhưng cũng nhiều người gọi đó là ngày buồn của nước bởi cảnh hội hè không thể lấn át cho quên đi cảm cảnh ngày đại tang cả nước !
Người mẹ nào mất con chẳng đau, người vợ nào mất chồng chẳng tủi, ông
bà nào cháu chết trận chưa tìm được hài cốt mà nguôi được nỗi buồn ?!
Trong nam ngoài bắc, trên dải đất hình cong chữ S
này, ai cũng là con của Mẹ Việt Nam. Ta cứ suy ngẫm về một người mẹ nào
đó đẻ ra mươi đứa con, có tám chín đứa thành đạt, vẫn không thể quên
nỗi xót thương cho một đứa không may, chết non chết yểu ! Phải không
thưa Quốc hội ? Lại xin nhắc câu nói của cổ nhân: Ta vui trước nỗi đau buồn của người khác, chính là ta đang chuốc nỗi đau buồn về ta ! Có thể câu nói chưa lô-gich về khoa học, nhưng với nhân tình thế thái người Đông Nam Á thì quả là triết lý !
.
Mấy ý kiến mạo muội của tôi, kính mong Quốc hội và Chính phủ xem xét. Hy vọng được đáp ứng không chỉ riêng tôi.
Hà Nội, 18-10-2013
Xin kính chào trân trọng
Đ/t: 01656538236 Lê Khả Sỹ
----------------------
Đã gửi đến Quốc hội lúc 13h,35' ngày 26-10-2013
----------------------
Đã gửi đến Quốc hội lúc 13h,35' ngày 26-10-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét