Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Cặp lục bát về ngựa

Mời bạn xem: http://lekhasy.vnweblogs.com  http://holam.vnweblogs.com  http://lekhasy.blogspot.com


NGỰA HOANG GIẪM NÁT CHÂN ĐỒI
alt
Tác giả Xuân Ư, làng Sủi, Gia Lâm, Hà Nội

Ngựa hoang giẫm nát chân đồi
Kiếm hoen thái mớ rối bời tháng năm

Hai câu thơ viết về ngựa của Thi sĩ Xuân Ư thể hiện trong một bài lục bát in ở tập thơ của một CLB Văn thơ ngoại thành Hà Nội. Từ xửa từ xưa, lời thơ câu văn người ta tả về giống ngựa là vẻ dũng mãnh cao cường, ngạo nghễ: phi nước đại như “gió cuốn tên bay”, xông trận thì “tả xung hữu đột” mà con ngựa Xích thố của Đổng Trác là biểu tượng trong truyện Tam quốc. Các họa sĩ bằng những nét đặc sắc cho ngựa tung bờm thẳng đuôi, ngửng cao đầu “bay”, vươn mình nhún đà vượt chướng ngại… rất ít khi tả về nỗi lam lũ nhọc nhằn của kiếp ngựa. Ở Việt Nam, nửa đầu thế kỷ 20 có Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết chuyện Ngựa người-người ngựa và đầu thế kỷ 21 có Thi sĩ Xuân Ư làm thơ tả về ngựa với cách nhìn đặc biệt, cảm nhận sâu sắc được thể hiện trong hai câu lục bát.

Ngựa hoang giẫm nát chân đồi / Kiếm hoen thái mớ rối bời tháng năm
Hai câu thơ của một cây bút không chuyên đã góp phần làm động lòng nhân thế, đã khiến những Nhà thơ gọi là “chuyên nghiệp” phải thán phục, đã mở ra cách nhìn đa chiều đối với sự vật không riêng giống ngựa.

Về bút pháp, Xuân Ư dùng hình ảnh con ngựa hoang là giống ngựa không hề bị ràng buộc, tự do tung hoành mà lại (vẫn) phải đứng một chỗ đến nỗi giẫm nát chân đồi để từ đó so sánh liên tưởng đến sự “tự do” của con người mà thi sĩ nhìn thấy, cảm nhận thành thơ. Sự so sánh và liên tưởng ấy không thuộc nghệ thuật hư cấu ! Cái thực trạng mất tự do đến tột độ vì người ta đủ sức giam hãm chẳng những với giống ngựa thuần chủng, mà cả giống ngựa hoang “Tạo hóa ban cho chúng” được tự do thoải mái, sự giam hãm kìm chế tàn nhẫn tưởng như không thể !  Tiếp đó, Kiếm hoen thái mớ rối bời tháng năm là hư cấu rất diệu nghệ. Nó không còn ở mức ngán ngẩm như dùng con dao cùn đã hoen gỉ thái mớ rau, mà lớn lao hơn cả về hiện tượng và nội tâm xót xa, chán chường, thất vọng khi nhìn thấy thanh kiếm hoen thái mớ rối bời tháng năm, cái sự rối bời nhùng nhằng khó gỡ không như riêng một con gà mắc tóc, mà cả cộng đồng trong cảnh ngộ khó tìm cách thoát !

Hai câu thơ Xuân Ư nói về thực trạng mất tự do trong một xã hội rối ren là tấm lòng của người cầm bút đối với đời, đối với lẽ sống thông thường nhưng rất cao thượng. Chỉ là Nhà nông, chưa cầm thẻ hội viên hội Nhà văn nào, nhưng Thi sĩ Xuân Ư vớí hai câu lục bát dẫn trên đã xứng đáng Nhà trong muôn Nhà quần chúng !

16-02-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét