Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Thư ngỏ K/gửi UBND phường Thụy Khuê

Kính báo cùng bạn đọc

Hiện nay các trang mạng của Lê Khả Sỹ hoạt động bình thường:
http://lekhasy.vnweblogs.com
http://holam.vnweblogs.com
http://lekhasy2010.blogspot.com  (giao diện màu xanh)
http://lekhasy2015.blogspot.com  mới lập thêm  (giao diện màu da cam)
   Kính mời quý bạn đọc ghé thăm, trao đổi.                                                                                                      
                                                                              Lê Khả Sỹ. đt: 01656538236-
                                                                    -----------------*-------------------

Thông tin là cần thiết
nhưng nên chừng mực !

Trong phố ngoài làng
Ảnh minh họa

Ngày xưa, Lý trưởng dùng seo mõ để loa rao các quy định, công việc đột xuất của làng ; ngày nay hiện đại hơn, trung ương có đài phát thanh, đài truyền hình để thông tin thời sự và phổ biến chủ trương chính sách của quốc gia, ở tỉnh huyện có đài phát thanh & truyền hình, ở xã phường cũng có hệ thống truyền thanh để phổ biễn chủ trương công tác của địa phương. Ngoài ra, trên cả nước còn có hàng trăm tờ báo làm nhiệm vụ thông tin, bình luận. Thời nào, lúc nào, ở đâu cũng không thể thiếu phương tiện thông tin !

Tuy nhiên, cái gì cũng nên chừng mực. Chẳng những ngày xưa các cụ nhắc nhau văn hay bất nỡ đọc dài, mà ngay các vụ chửi nhau ở chợ, nếu lải nhải kéo dài cũng chẳng ai để ý ! Và, có lẽ để tránh trùng lặp, “tam sao thất bản” mà Nhà nước quy định các đài phát thanh & truyền hình của tỉnh phải tiếp sóng đài truyền hình VN ! Nghĩa là, chuyện thuộc phạm vi quốc gia thì quốc gia thông tin phổ biến, không cần địa phương lặp lại. Quy định như vậy là hợp lý ! Từ đó suy ra, hệ thống truyền thanh của phường, xã chỉ nên thông tin những chủ trương công tác, những quy định mới của phường xã cho dân biết để thực hiện, không nên lặp lại những tin tức, bình luận của các đài huyện, tỉnh, trung ương đã phát trên sóng và đọc tràng giang đại hải những tài liệu thuộc dạng nghiên cứu, tập huấn !

Nhưng ở phường tôi, gần đây công tác thông tin quá tích cực: Phát ngày hai ba buổi, mỗi buổi trên dưới một giờ đồng hồ, gồm đủ các đề tài, chứ không chỉ phổ biến chủ trương công tác, các quy định và hoạt động của phường. Xin đơn cử, các phát thanh viên còn đọc hết cả tài liệu hướng dẫn sử dụng điện, phòng cháy chữa cháy trên dưới hai chục tiểu mục. Thầm nghĩ, nếu in ra giấy, thong thả ngồi đọc cũng khó mà nhớ được, huống chi phát trên loa ! Chẳng ai có điều kiện để quan tâm, thành vô duyên hết chỗ nói (!) Đáng buồn…cười nhất là, phát thanh cho mở băng bài hát, vừa đến đoạn trăng vào cửa sổ đòi thơ, mới chớm ca từ đòi… thì chen tiếng còi ô-tô  toét toét…Có lần, đang cho hát đến ca từ nếu là hoa, em sẽ là hoa hướng dương…bỗng nhiên hạ giọng, bị tiếng còi ô-tô lấn át bằng một chuỗi toe, toe, - ọp, ọp...giật cả mình (!)

Khổ nỗi, cái loa to đùng treo ngay trước cửa nhà, ngày hai ba bốn lần, tôi như “bị tra tấn bằng âm thanh” dù lỗ tai gần tám chục xuân bụi trần nhét kín, màng nhĩ chắc dày bằng mo cau mà vẫn cảm thấy được chọc thủng, nghe thoải mái ! Một hôm hai anh bạn thơ đến chơi đúng vào lúc chương trình truyền thanh của phường ra rả, chúng tôi đọc thơ phải há mồm rướn cổ và nín hơi cho bụng phình ra như con ễnh ương mới phập phõm chen được đôi ba câu trước tiếng loa hùng hồn vĩ đại của phường. Một anh bạn góp ý: Cậu nên bỏ ít tiền làm cách âm. Còn anh bạn già hơn kể cho nghe một mẫu chuyện: Ở làng tớ có một cơ quan phải phát sợ mỗi sáng họp giao ban, cái loa của xã chõ thẳng vào cửa chính át hết tiếng của cử tọa. Họ chẳng thiếu tiền, nên cho làm cách âm phòng họp. Khốn nỗi, đã kín hết thì không khí “nội bất đắc xuất ngoại bất đắc nhập”, lại ở cái thời tràn lan thực phẩm ôi thiu nhập lậu từ Tàu, không may tối hôm trước quan viên nào ăn phải mà sáng nay để mùi xú uế tự do rò rỉ ra thì chỉ có chết ngạt cả phòng, nên sau mấy hôm phải dỡ bỏ (!)

Nghe chuyện, phó thường dân Sỹ em thầm nghĩ, người xưa nói không sai: Số lắng đắng chạy nắng mắc mưa, thôi đành chịu thủng màng nhĩ còn hơn chết ngạt (!) “Liều mạng viết đôi dòng tâm huyết” kính gửi tới UBND phường, mong được các vị thương đến dân mà chỉnh sửa cho hợp lý ! Chẳng hạn, mỗi ngày chỉ nên truyền thanh một lần, cần thiết lắm thì mới hai lần ; một bản tin có dài cũng khoảng một nghìn từ, làm gì mà phải hai người thay nhau đọc như đài truyền hình VN ? Nếu muốn hoành tráng hơn nữa và khỏi phiền dân thì dựng cột ăng-ten, lắp đặt một đài phát thanh & truyền hình như huyện, ai muốn nghe xem thì mở ti-vi, không thì thôi, còn chủ trương công tác và các quy định của xã của phường đã có văn bản quán triệt đến từng thôn, từng tổ dân phố rồi. Trường hợp thừa biên chế thì nên bố trí cho họ lang thang trong dân chúng, nghe ngóng thu thập những ý kiến phản ảnh của dân về cái dở cái hay để báo cáo với lãnh đạo, giúp hoàn chỉnh công tác yên dân, trên dưới một lòng, cùng nhau dựng xây cuộc sống ngày càng tốt đẹp, chắc sẽ thiết thực ích lợi hơn.
.
Mấy dòng "tâm huyết" trên đây, có gì chưa đúng chưa phải xin được thứ lỗi !

Tây Hồ, 15-7-2015                              

Lê Khả Sỹ (công dân của phường) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét