Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

“Giành lại vỉa hè”
Duy ý chí dẫn đến hung hăng,
coi thường pháp luật !


Quận Tây Hồ, Hà Nội: Bảng hiệu treo trên cao gần 3m, 
không ảnh hưởng đến người đi bộ cũng phá.

Đồng Hới (Quảng Bình), Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND phường đã công khai xin lỗi trước dân vì lực lượng đi lập lại trật tự vỉa hè xử lý vội vàng, khiến nhiều người dân bức xúc…
Quyết đập phá không nương tay ! 

Phải họp dân để nói lời xin lỗi.

Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ là một trong nhiều nơi được gọi là “ra quân giành lại vỉa hè”, chuyện chẳng to tát gì mà đã làm mất lòng dân, thể hiện coi thường pháp luật, để rồi xin lỗi. Mở đầu là mấy anh hai Sài Gòn, tiếp đến Hà Nội, hai địa điểm được coi là “văn minh nhất nước” (!)

Cần nói cho đúng là sắp xếp lại vỉa hè, chứ không phải giành lại vỉa hè, vì có ai tranh cướp mất đâu mà giành ! Và, người dân cũng không có tội lấn chiếm vỉa hè, chỉ lợi dụng vỉa hè để kiếm sống ! Vả lại, nếu bị tranh cướp thì mấy chục năm qua, cái chính quyền sở tại không biết, không đủ sức bảo vệ hay bị mù, hay được hối lộ nên làm ngơ ? Khách quan mà khẳng định, việc sắp xếp lại vỉa hè là cần thiết, nhưng thực hiện phải theo trình tự, phải tôn trọng pháp luật, chứ không thể lệ làng đè trên phép nước xuất phát từ duy ý chí dẫn đến hung hăng, coi thường pháp luật, coi dân như rác như rơm !!!
    Cái mà ở Hà Nội gọi là xếp dẹp vỉa hè, lâu nay thỉnh thoảng người ta vẫn làm, làm khi nhớ đến hoặc có sự kiện gì trọng đại nhưng rồi không duy trì được, lại tái phát vì một bên thì “đánh trống bỏ dùi” một bên thì chai lì lợi dụng, trong đó đa số vì miếng cơm manh áo đành liều như thế. Nói cho cùng, “đánh trống bỏ dùi” cũng là lẽ tất nhiên, bởi ra quân xếp dẹp vỉa hè chỉ là tình thế “giải quyết phần ngọn” còn “phần gốc” chưa thể giải quyết được đó là: Mở rộng hạ tầng cơ sở đường phố, hè phố ; đó là giảm dần tình trạng thiếu việc làm cho dân ; đó là cần bài toán có đáp số đúng đắn khi thu hồi đất canh tác của dân, buộc họ phải bất đắc dĩ tràn ra thành thị để đi buôn kiếm sống ! Và, số người là công dân Hà Nội nghèo khó cũng không ít, chắc họ nghĩ ngồi vỉa hè bị gọi là “lấn chiếm” thì cũng còn lương thiện hơn đói phải ăn trộm ăn cắp, cướp giật và cả quan tham lại nhũng bị dân chửi (!)

Cho nên người ta vẫn “chọn cách tái lợi dụng vỉa hè” (Hà Nội)

Sơ sơ điểm qua đã thiếu ba điều kiện cơ bản cần có để xếp dẹp vỉa hè, người ta chỉ có ý chí, thêm thắt chút là “nhiệt tình” thì làm sao giải quyết được ?! Chưa kể đến cái khó nữa là cấp trên chỉ đạo cách làm cho hợp lòng dân để có sự đồng thuận thì cấp dưới cắt xén, chỉ dùng uy mà không cần dùng tín, nên dân phản đối là tất nhiên ! Khi người thi hành công vụ chỉ biết dùng uy thì sinh thói hung hăng cũng dễ hiểu ; đã hung hăng thì lý trí bị giảm sút, thậm chí mất hết ; đã mất lý trí thì coi thường pháp luật là không tránh khỏi ! Đáng phàn nàn hơn nữa, có cán bộ quận trực tiếp chỉ đạo đập phá, khi dân chất vấn thì anh ta bảo: ông lên Quận và Thành phố mà hỏi. Thì ra, cái anh cán bộ này không hơn không kém con rô-bôt cấp thấp (!)

Cán bộ quận Tây Hồ đeo thẻ công vụ, đút tay túi quần trực tiếp chỉ đạo đập phá, 
dân thắc mắc thì bảo lên Quận, lên Thành phố mà hỏi.

Xin nêu một vài dẫn dụ:
Cách làm từ trước đến nay, cả thu hồi đất cho dự án, cải tạo nhà cũ các khu tập thể cũng phải tổ chức bàn bạc với dân cho dân thông suốt, nếu dân có thắc mắc thì giải đáp để đi đến đồng thuận, bất đắc dĩ mới phải cưỡng chế. Đáng lẽ việc xếp dẹp vỉa hè cũng phải làm như thế, thêm nữa là khi dân đồng thuận rồi thì cho họ viết cam kết tự dỡ bỏ, đến thời hạn đã cam kết mà không tự dỡ bỏ thì mới cưỡng chế. Dù có cưỡng chế cũng không được quên:
- Phải lập biên bản vi phạm có chữ ký của người thi hành công vụ và người vi phạm, lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản !
- Một viên gạch, một tấm bảng hiệu cũng là tài sản riêng của dân, không được thu đưa về đồn CA, hoặc trụ sở Thanh tra GT, hoặc UBND phường ! Bởi đã có biên bản rồi, nếu cần phạt cũng ghi vào biên bản, người vi phạm phải nộp phạt, không cần thu giữ tang vật ! Nếu Thu giữ tang vật mà không lập biên bản có chữ ký của người thi hành công vụ và người vi phạm mà lấy đem đến nơi khác là phạm pháp !
   Có người nói: Thu giữ tài sản của dân mà không lập biên bản, luận theo lẽ đời thì đó là tội cướp ! Theo tôi, không phải là tội cướp, vì cướp rồi bỏ chạy, đây người ta vẫn ngang nhiên đứng đó, nó giống như tịch thu tài sản địa chủ thời cái cách ruông đất. Lại có người nói: Đã cưỡng chế thì phải thu giữ tài sản để làm vật chứng. Theo tôi, không cần. Bởi nó không thuộc trường hợp trấn áp như bắt kẻ phạm tội bỏ chạy hoặc chống cự lại. Nếu cho rằng, đã cưỡng chế là phải thu giữ tang vật thì Hà Nội có thu giữ được tòa nhà 8B Lê Trực không ? Và, kho đâu mà chứa hàng trăm hàng nghìn tòa nhà xây trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ trên cái đất nước này (!)

Sắp xếp vỉa hè, mục đích là để dành lối cho người đi bộ thì can gì phải tháo dỡ bảng hiệu treo trên cao gần 3m ? Những hành động quái gỡ như vậy đã khiến cho dân bất bình. Việc sắp xếp vỉa hè không lớn mà để Chủ tịch và phó Chủ tịch phường phải xin lỗi dân sau khi bốc đồng lên quá tay đã phá phách để dân phản kháng như ở Quảng Bình thì quả là đáng cười (!) Tuy nhiên, việc lãnh đạo xin lỗi dân, dù sao cũng tốt. Có điều, người dễ dàng xin lỗi thì cũng là người dễ dàng tái phạm lỗi ! Tóm lại, chủ trương sắp xếp vỉa hè là đúng, là cần thiết, nhưng thực hiện thì còn bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến hung hăng coi thường pháp luật, người ta sẽ cười: Lãnh đạo mà không hiểu gì về pháp luật !
  
Do thiếu sự đồng thuận của dân, nên sau khi “hùng hổ ra quân” chưa đầy nửa tháng thì vỉa hè lại lộn xộn như cũ, đúng là câu chuyện khôi hài cho dân lúc trà dư tửu hậu (!)

Ảnh đơn cử  Quận 1, tp HCM, sau “giành lại”, đoạn đường lực lượng đô thị tuần tra chưa đi đến, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra. (ảnh và chú thích:  báo mạng 24h)

Dưới đây là  số ít trong nhiều hình ảnh đâu lại vào đấy trên các phố: Hàng Lược - Đồng Xuân - Hàng Giấy - Thuốc bắc - Hàng Điếu - Hà Trung  thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chụp lúc  10h,00’ – 10h,30’ ngày 06-4-2017, sau đợt ra quân xếp dẹp vỉa hè, mà người ta quan trọng hóa gọi là “giành lại vỉa hè” (!) Nếu các chú “phó nháy phó nhòm” rỗi việc để lang thang trên đất Thủ đô thời điểm này thì có hàng nghìn ảnh và tiếp sau thì có hàng vạn ảnh phong phú, sầm uất  hơn nữa là cái chắc !







Cả  UBND phường Hàng Mã cũng “phải” tái chiếm vỉa hè nữa là…

Còn cách lo cho dân như thế, quốc kế dân sinh như thế, cơ sở hạ tầng như thế thì các bác còn “ra quân giành lại vỉa hè” chưa biết bao nhiêu lần nữa. Chỉ xin lưu ý: Làm gì thì làm nhưng chớ coi thường pháp luật !

06-4-2017
Công dân Lê Khả Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét