Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Sao mà láu táu như rứa hè ?

Đọc trên mạng được biết, ngày 20-04-2017, tại hội thảo khoa học Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp, PGS-TS Phạm Xuân Mai nói: Phải cấm xe máy, không đem cái nghèo ra dọa nhau mãi.  Việc TP.HCM cần làm là sớm loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông TP !

Phạm Xuân Mai

Thưa cái anh PGS-TS Phạm Xuân Mai
Bỏ xe máy, không cho lưu hành trong đô thị là tiến bộ, hiện một số nước đã thực hiện. Ở nước ta, không kíp thì chầy cũng phải như thế. Điều cần thiết ấy, Chính phủ và các thành phố lớn đã mấy lần đặt vấn đề giải quyết nhằm giảm ùn tắc giao thông nhưng chưa đủ điều kiện nên chưa thể làm ngay, chứ chẳng phải không biết. Cái ý kiến của ông bây giờ mới nói ra, chẳng có gì là “mới mẻ, sáng tạo, thông minh” như ông tưởng !
Dù thật hay dỏm, ông cũng được gọi là phó Giáo sư, Tiến sĩ thì ít nhất cũng được đọc kinh điển Mác-Lê, chẳng lẽ không biết và không hiểu ba từ duy ý chí  ? Duy ý chí ghĩa là chỉ có ý chí, chẳng hạn như cái anh ngu si láu táu, quyết tâm đào núi lấp biển nhưng ngoài ý chí thì sức khỏe cũng không, miếng ăn no bụng cũng không, cái xẻng cái choòng cái cuốc cũng không…làm sao thành công được ?  Chẳng nói đâu xa, ngay trên dải đất Việt Nam này, không ít thất bại vì duy ý chí: Việc nhỏ như dẹp hàng rong, đánh thuế đường cả xe máy không sử dụng đến, để trong nhà ; quy định xe máy dược lưu hành trong thành phố là số biển kiểm soát phải đúng số chẵn lẽ như ngày in trong lịch ; ra đường không được mặc áo cộc quần đùi…Việc lớn như cấm vợ hoặc chồng đảng viên không được đi buôn ; xây dựng chợ, nhà máy thép xong bỏ cho cáo chồn làm tình nhảy sòn đô, trâu bò vào ỉa ; suýt nữa thì ấn nút làm đường sắt cao tốc v.v và v.v kể ra đầy ba trang không hết !
Thưa cái anh PGS-TS Phạm Xuân Mai
Phàm con người đã sống trên đời thì phải hiểu biết lẽ đời, sống giữa đời thường cơm áo thì phải hiểu biết về thực trạng của đời thường. Tiến sĩ Việt Nam phần lớn từ bùn đất đi lên, đâu phải trên trời rơi xuống mà ù ù cạc cạc về cõi đời mình đang sống ?! Dân gian ta có câu liệu cơm gắp mắm, còn lý luận cách mạng thì nói cái gì cũng chỉ đúng với một hoàn cảnh, điều kiện và thời điểm nhất định (có thể trích dẫn chưa đúng, xin lỗi múa rìu qua mặt thợ). Vả lại, cái anh này không chịu khóuốn lưỡi ba lần trước khi nói như người xưa đã dạy nên láu táu, phạm thượng, bởi anh ta nói Phải cấm xe máy: không đem cái nghèo ra dọa nhau mãi ! có khác gì coi những người đứng mũi chịu sào cái đất nước này, lâu nay chỉ dựa vào nghèo để dọa…Dọa ai ? Chỉ có dọa dân, dọa cấp dưới ! Ai dọa ? Chỉ có cấp trên và quan nha ! Theo tôi, chưa hẳn là thế ! Bởi từ khi đất nước đổi mới, kinh tế có khá hơn, cuộc sống của gần một nửa số dân không còn ở mức nghèo, nhưng so với mặt bằng các nước đang phát triển thì ta chưa phải đã thoát nghèo. Nói ta còn nghèo là có thực, chứ không phải dọa ! Vì đang nghèo nên phương tiện công cộng chưa đủ điều kiện thuận lợi và tốt để phục vụ dân, nhất là các thành phố có lắm ngõ ngách ngoằn ngoèo cách trở, từ nhà đến điểm đỗ xe buýt hàng trăm mét thì việc bỏ xe máy là bất cập, sẽ đem lại cho dân nhiều khó khăn trong mưu sinh, đi lại. Chưa đáp ứng được điều kiện thuận lợi cho dân bằng phương tiện vận chuyển công cộng mà bỏ xe máy thì về mặt môi trường có lợi, nhưng số phương tiện nhỏ lẻ sẽ chiếm mặt đường nhiều hơn xe máy hiện nay. Chắc chắn người ta phải sử dụng xe đạp đã đành, ngoài ra còn xe kéo tay, xích-lô, xe ba bánh để vận chuyển, chứ không thể quay lại thời kỳ gánh gồng đi bộ !
Cần cân nhắc suy xét để hoạch định đúng chủ trương kế hoạch cho quốc kế dân sinh nói chung và hệ thống giao thông vận tải nói riêng không đơn giản như anh kia làm cái nuận án tiến sĩ giấy đâu (!) Các người làm lãnh đạo biết mở các cuộc hội thảo để nghe là tốt, nhưng xin lưu ý: phải nghe ý kiến nói thẳng nói thật của nhiều người dân qua mạng lưới truyền thông và dư luận, nếu chỉ nghe mấy ông tiến sĩ giấy, giáo sư hão, kỹ sư gia công, chuyên gia chắp vá thì không khéo tiền mất tật mang do họp hành tốn nước rác hội trường và phong bì bồi dưỡng !
Hà Nội, 20-4-2017
Lê Khả Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét