ĐẤU TRANH ÔN HÒA LÀ THƯỢNG SÁCH
Để luận bàn về vấn đề này, xin nêu một số câu nói của các
bậc Vĩ nhân:
- Quân tử đấu trí bất đấu lực
- Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo
- Ba tấc lưỡi Khổng Minh đáng sợ hơn ba thước gươm Tào Tháo*
Đúng như vậy, những Thủ lĩnh ngồi
quanh bàn ở đại bản doanh, không bóp vỡ được quả trứng, không biết viên đạn dài
ngắn tròn méo ra sao, phải có hàng tiểu đội, hàng đại đội bồng súng đứng gác
cho họ, nhưng từ trí tuệ, họ phát ra một mệnh lệnh thì có khi chết hàng vạn
người, mà cũng có khi đem lại bình yên cho một hoặc nhiều đất nước.
Có thể nói, sách lược đấu tranh
và cả binh thư binh pháp từ xưa đến nay, người ta vẫn dành cho giải pháp đấu
tranh ôn hòa một vị trí then chốt và nó đã chiếm đỉnh khi cuộc đấu tranh phân
thắng bại từ bàn đàm phán ( ngoại trừ một số cuộc chiến thời trung cổ). Từ đó
cho ta thấy, đấu tranh là cần thiết để bảo tồn sự sống, nhưng tránh đổ máu,
tránh “hy sinh” một cách vô ích ! Càng phải hiểu: sự sống của con người không
chỉ đơn giản cơm ăn áo mặc, bình đẳng tự do, mà phải có nghĩa có tình, có lòng
thương yêu, mến phục (xin lỗi, nếu không như thế, cứ đè nhau ra mà đánh thì
chẳng hơn gì loài vật).
Trong xã hội loài người, đã khó
tránh khỏi sự tranh giành thì cũng không tránh khỏi khả năng trí tuệ làm “vũ
khí đấu tranh” dẫn đến hòa bình, đồng thuận ! Trên thế giới hiện nay đang xảy
ra nhiều cuộc đấu tranh giữa chính quyền áp bức và nhân dân bị áp bức. Chọn
giải pháp nào cho lợi ? Biểu tình bạo động hay biểu tình ôn hòa ? Theo ý kiến
số đông là biểu tình ôn hòa !
Nếu biểu tình bạo động sẽ bất lợi vì:
- Biểu tình của một số người, một
số vùng không đủ sức chống cự với lực lương cảnh sát, quân đội, khó tránh khỏi bị
đánh đập, bắt bớ.
- “Giúp” chính quyền có cớ “bảo
vệ trật tự an ninh cho nhân dân” mà
thẳng tay đàn áp.
- Như dân gian nói no quá mất ngon, giận quá mất khôn, cả
hai bên có thể xử sự quá mức từ lời nói đến hành động, khi hối lại thì đã muộn.
- Dẹp biểu tình khác dẹp cuộc
khởi nghĩa, nên lực lượng dẹp biểu tình trước hết là cảnh sát và quân đội dịa
phương, cả một số cán bộ chỉ đạo cũng có thể là bà con thân thích của người
biểu tình, suốt đời sống gần nhau thì tình trạng định kiến hận thù luôn “hâm
nóng”, sẽ dai dẳng, thậm chí truyền đời. Đây là điều hết sức bất lợi !
Điều cần chú ý: có thể xen vào
đám đông là những người trá hình dân thường gây bạo loạn để có cớ cho nhà chức
trách “tóm cả”, còn ai là người bị tóm thật thì không khó hiểu. Trường hợp này
phải hết sức tỉnh táo, khỏi mắc mưu !
Nếu biểu tình ôn hòa sẽ có lợi
Đến như Mỹ với Triều Tiên còn
ngồi lại với nhau ở bàn đàm phán để bàn chuyện hòa bình, thì cớ gì ta không làm
được như thế ? Do chính quyền sở tại không chịu khó hoặc không đủ trình độ giải
thích cho dân, không thuyết phục được dân, dân đành phải kêu lên cấp trên, cấp
trên mà cũng như cấp dưới thì dân phải biểu tình. Nhưng sự đồng thuận của dân
với chính quyền dù còn cách xa cũng chưa đến nỗi như sự cách xa giữa Mỹ với
Triều Tiên đã ăn sâu vào tiềm thức hơn nửa thế kỷ, những tuyên bố của hai bên
khiến cho thế giới thót tim. Vậy mà người ta ngồi lại được với nhau, sao dân ta
và chính quyền được gọi là công bộc của dân lại để xảy ra nông nỗi thế ?
Trước hết, trách nhiệm thuộc về các quan lại địa phương từ xã đến tỉnh (như
diễn đàn Quốc hội đã nêu lên) ! Sau đó đáng thương và đáng trách những người
biểu tình “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” như người xưa đã nói, là nhân dân từng
chịu thương chịu khó, chịu mất mát máu xương trong ba mươi năm chiến tranh để
có ngày hôm nay, chỉ vì nông nỗi không kìm chế được mình mà mang tiếng chống
đối, thậm chí bị tội tù ! Chẳng lẽ cái đầu của ta không bằng cái đầu của người
Triểu Tiên, người Mỹ hay sao ? Đã đành cách làm ăn chưa bằng họ, cách chế vũ
khí chưa bằng họ, nhưng trí tuệ người Việt cũng không hiểu nốt câu nói của Vĩ
nhân người Việt - Lấy đại nghĩa thắng
hung tàn ? Đáng xấu hổ lắm các người ơi !
Từ vụ Đồng Tâm đến một số vụ biểu
tình gần đây, theo tôi thì cả hai bên nên mở sách ra mà đọc đi đọc lại ba câu
nói của các bậc Vĩ nhân (ở phần đầu bài), ngồi lại với nhau, trước hết là bất phục
truy dĩ vãng**, bỏ qua những sai lầm, làm lại cuộc sồng yên bình thân ái ; cảm
thông cho nhau về những khó khăn trong từng giai đoạn, cảm thông cho nhau về
trình độ hiểu biết, điều hành không lấy đâu ra như người Triều Tiên, người Mỹ.
Để từ đó mà giải quyết những vướng mắc giữa đôi bên và nhiều bên. Cũng nên cùng
nhau nhắc lại cho nhớ: Quan nhất thời, đừng xử sự quá mức với dân ; dân vạn đại,
nhưng vạn đại là trường tồn về tình đời nghĩa thế. Vua quan có trách nhiệm với
dân, dân có nghĩa vụ với nước ; phải người phải ta, đừng để gây nên CÙNG SINH
QUẪN, QUẪN SINH LÚ LẪN, LÚ LẪN SINH LIỀU. Dân gian có câu: “vua thua thằng
liều” thì khi cả hai bên đã LIẾU, cảnh sát quân đội chưa là gì, mà dân cũng
chưa là gì đâu nhé !
Sỹ em già rồi, nhớ đâu nói đấy. Có gì sai
xin bà con thứ lỗi !
Hà Nội, 25-6-2018
Lê Khả Sỹ
----------------------
*
Một thước TQ xưa bằng khoản 30cm (?)** Việc qua rồi, chẳng truy cứu lại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét