KHÓ TIN NHÀ THƠ TÀI HOA
LẠI TỰ CHÊ MÌNH KHỜ DẠI !
Chế Lan Viên
Từ thời kỳ khai sinh Thơ mới đến thời kỳ nước được đổi tên Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chế Lan Viên là một trong rất ít Nhà thơ chỉ đếm đầu ngón
tay được tôn vinh là "cây đa cây đề" của làng thơ VN, được các vị
lãnh đạo Triều đình coi là của quý, muốn gì được ấy. Bởi ngoài bút lực
"siêu phàm" thì cái đáng quý là người đã từng sống trong chế độ
trước, nay theo Cách mạng một cách trung thành ; càng quý hơn nữa là biết ca
ngợi chế độ hết lời tốt đẹp:
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn
nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này
chăng ?
Chưa đâu !
Và ngay cả trong những ngày
đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và
đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất
nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào
cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên
trên sóng Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là
ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần
hơn
...
Rồi Chế Lan Viên ngược thời gian để thương thay những thế kỷ vắng anh hùng và sung sướng thấy mình
được hưởng những cái rất bình thường, rất tự nhiên theo quy luật của Tạo hóa: Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời /
Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể. Cứ như là hàng vạn vạn đời qua, dòng
sông chưa bao giờ gặp bể (!) Và, ông hàm ơn giúp cho dân: Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng / Mỗi người dân đều được thấy Bác
Hồ.
... (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?)
Với cụ Hồ thì Chế Lan Viên dành cho những lời siêu nịnh, đơn cử
như:
Tôi đến Nha Trang ngắm trời
biển đẹp
Có hay đâu hang Pác Bó gió
lùa
Giường lãnh tụ là hai hàng
đá ghép
Mảnh áo chàm Bác mặc quá
đơn sơ
...(Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi !)
Nhà thơ từng rút ruột viết Điêu tàn, khóc than cho một đất nước
láng giềng bị gần như tuyệt chủng, gửi gắm sự chia sẻ căm thù đối với dân tộc
gây nên điêu tàn để thành thơ, mà tác giả xót thương đến nỗi vứt bỏ cái họ Phan
của mình để lấy họ người Chăm cho đồng cảm* ! Nhưng rồi Nhà thơ ấy đành lòng
quên đi sự chia sẻ căm thù đã tan theo mộng thực dân, để trở về với Cách mạng ;
lại biết thức thời tùy cơ là đáng khen, thì dù xu nịnh quá lời cũng có thể châm
chước. Nhưng đáng trách là, khi đọc bản Di cảo III của Chế Lan Viên, dẫu bóng
gió, hình tượng hóa văn chương cho phép cũng không thể chấp nhận được cách
viết biểu thị thái độ "trở mỏ cắn cánh" của ông ! Xem bài Đọc
di cảo thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên thì thấy gần đầy đủ một cách tổng
quát về sự lầm tưởng, bị lừa đáng thương cho Chế (ở phần cuối).
Bánh vẽ là một trong nhiều bài ở các tập Di cảo
của Chế Lan Viên, dùng sự việc tưởng như bâng quơ để trách móc, mạt sát cái mà
một thời tác giả Điêu tàn đã lầm tưởng và phụng sự gần suốt đời ! Đau cho Chế
Lan Viên là ở chỗ đó, buồn cho những ai "nuôi ong tay áo" là ở chỗ đó
!
Có thể nhiều người không tin một tay bút tài hoa, uyên bác văn
chương, thông hiểu lẽ đời như Chế Lan Viên lại tự chê mình khờ dại. Và, bài
viết này hoàn toàn không có sự suy diễn theo luận điểm chính trị để quy kết,
phê phán "văn chương diễn biến hòa bình" ; cũng không bàn về nghệ
thuật thơ ca, ngôn từ gì cả. Đây chỉ bình luận về tư cách của một người cầm
bút, ý thức liêm sĩ cần có của một Nhà thơ chân chính và lòng tự trọng của một
con người sống trong cõi nhân gian, bất kỳ ở vị thế nào, tầng lớp nào ! Tuy
nhiên, khách quan mà nói, hoàn cảnh của Chế Lan Viên cuối đời có điều bất mãn
về sự quan tâm của hội Nhà văn VN đối với ông. Nhưng xét cho cùng thì nhân tình
thế thái thời nay, đến cả vợ chồng, cha mẹ đau lâu ốm dài, người thân cũng
chán, nữa là hội viên của cái hội gồm nhiều người tứ xứ. Hơn nữa, có bất mãn
với hội Nhà văn VN thì cũng không nên phủi sạch cái ân huệ người ta đã từng ưu ái
cho mình, khỏi mang tiếng "ăn cháo đá bát" ! Sỹ tôi nôm na nói vậy, có gì không nên không phải, xin được bỏ qua !
24-8-2018
Lê Khả Sỹ
------------
* Phan Ngọc Hoan là tên thật của Chế Lan Viên, Chế là họ người
Chăm (Chăm Pa) như Chế Bồng Nga
-----------------mời xem phần
dưới--------------
Chế Lan Viên
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...
Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!
Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn?
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút giây bây giờ
Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng,
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ,
Thịt xương ta, giặc phơi ngoài bãi bắn
Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ...
Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng.
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng...
Ôi! Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!
Ta tựa vào ngươi, kéo pháo lên đồi,
Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát,
Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ-cát,
Rồng năm móng vua quan thành bụi đất,
Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!
Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác
Chim cu gần, chim cu gáy xa xa...
Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt,
Đêm no ấm, giọng chèo khuya khoan nhặt,
Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta.
Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê...
Đảng làm nên công nghiệp.
Điện trời ta là sóng nước sông Hồng
An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép,
Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?
Ong bay nhà khu Tỉnh ủy Hưng Yên
Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em
Cây xanh ngắt đất bạc mầu Vĩnh Phúc...
Ôi! Cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên?
Ôi, cái buổi sinh thành và tái tạo
Khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo
Những phù sa đẻ ra những Cà Mau thịnh vượng mai sau.
Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu,
Ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau?
Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!
Ôi! Thương thay những thế kỷ vắng anh hùng,
Những đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận,
Nhà thơ sinh đồng thời với mưa phùn và những buổi hoàng hôn,
Cả xứ sở trắng một màu mây trắng,
Ai biết mây trên trời buồn hơn hay thơ mặt đất buồn hơn?
Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ?
- Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời,
Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể,
Ta với mẻ thép gang đầu là lứa trẻ sinh đôi,
Nguyễn Văn Trỗi ra đi còn dạy chúng ta cười...
Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ,
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.
Nhà viết Hồ Tây
gần ngày kỷ niệm Đảng (1965)
------------------------------------------------
Người thay
đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi !
Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
Có hay đâu hang Pác Bó gió lùa
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.
Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết
Người thay đổi đời ta về kia mà ta vẫn không hay.
Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày.
Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy
Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không
Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!
Ta làm con nai lạc giữa rừng thu
Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo
Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ Làm tất cả!
Chỉ trừ không đổ máu!
Nở trắng hoa kim anh trên biên giới,
Bác về Xa nước ba mươi năm, một câu Kiều,
Người vẫn nhớ Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa
Lòng son ngời như buổi mới ra đi.
Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia. Ta nghe bừng tỉnh
dậy
Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường
Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy
Bức tranh làng Hồ và cô Tố nữ dáng quê hương.
Người đánh thức tương lai đã về kia, Bác hôn lên hòn đất
Nghe trong tay trở dậy những thành đồng
Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc
Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong.
Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì?
Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật
Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật
Lạc giữa sao trời tôi vẫn còn mê...
Chưa có gì dính líu giữa thơ tôi và truyền đơn
Bác viết Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá
rừng
Trong nước mắt thơ tôi, tôi chưa ngờ chất thép
Chưa thấy trong máu mình sắp cuộn máu nhân dân.
Ôi giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào?
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy
Bác Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu.
Ấy là khi ta có thể nhảy vào đồn mà không sợ lửa
Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon
Khi riêng tây, ta thấy mình xấu hổ
Khi nhìn đời, mỗi lá mỗi tơ non.
Khi uống ngụm nước trong, lưỡi ta không còn đắng chất thị
thành
Đời tươi mát như ao sen mùa hạ
Anh em bốn bên mà ta ở giữa
Có được trái cây thơm, ta biết quý cả mùa lành.
Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc
Thành một nhành hoa mát mắt cho đời
Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp
Ta biết trong ta Bác đã đến rồi.
----------------------------------------------------
Bánh vẽ
Chưa cần cầm lên nếm anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai nhồm nhoàm
---------------------
(Prométheé 86 Văn học và Dư luận 8-1991)
================================
Đọc di cảo thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên
Mấy thi sĩ thế kỷ này ngồi nhồm nhoàm nhai bánh vẽ
Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng
Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ
Tay vẽ bánh cho người mồm nhai thứ thiệt ung dung
Anh ngồi nhắm lai rai dẫu biết thừa bánh vẽ
Bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình
Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để
Chúc tụng tía lía và ăn uống thật tình
Cốt một chỗ thôi để có ngày được nhai thứ thiệt
Mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm
Thứ thiệt mãi xa vời chỉ rất gần là cái chết
Cái chết này là chết thật hay oan ?
Tôi rùng mình đọc bài thơ Bánh vẽ
Mỗi chữ tạo lên cột số dặm đời
Thể phách đã an hòa cùng đất mẹ
Tinh anh còn lạnh buốt suốt thời tôi
Đà Lạt 13/9/1991
(xin không để tên tác giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét