Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Triển vọng


Đường sắt Việt Nam

ĐỔI MỚI "CÁI ĐỔI MỚI”

 

 Từ khi đường sắt được phục hồi giữa thế kỷ 20 đến nay, khách vào ga Hà Nội đi các tuyến, chỉ trừ tàu đỗ ở đường số 1 ngay trước cửa kiểm soát, còn lên các tàu đỗ ở 6-7 đường khác thì phải đi vòng khoảng trên dưới 100m để sang các đường ke, lên tàu. Những lúc trời mưa rét, hành khách mới thấm cực nhất là các chị vừa phải bế con vừa kéo va-ly hoặc mang ba-lô. Hôm nay cái cầu vượt ở ga Hà Nội đang thi công sắp hoàn thành để kịp phục vụ khách dịp Tết dương lịch và âm lịch.

Cầu vượt này khá chắc chắn, đẹp, che mưa nắng bằng mái nhựa và rất thực dụng. Khách từ sân có mái che lớn bước lên cầu vượt ngang trên các đoàn tàu đang đỗ trong sân ga, sang các ke ga bên kia để lên tàu rất an toàn, mặc bên dưới đầu máy đang dồn toa lập tàu, tránh được nỗi lo cho nhà ga và hậu họa cho khách nếu không may khi vượt qua đường sắt thiếu chú ý trong giây lát. Chuyện tưởng giản đơn và không đến nỗi quá tốn kém, nhưng hơn nửa thế kỷ qua chưa ai làm được. Và, tính thực dụng của chiếc cầu vượt này khác hẳn mái che trên ke ga ở  một số nơi như ga Vinh chẳng hạn, thiết kế mái cao lênh khênh, bất hợp lý mà như một số người nói khôi hài: Mái ke ga này chỉ che nắng lúc ban trưa, che mưa lúc không gió (!)

Gần đây, ngành Đường sắt có những việc làm thể hiện sự quan tâm tạo điều kiện cho CBCNV phục vụ  khách đi tàu tốt hơn, có tác dụng động viên  người lao động phấn khởi vượt qua mọi khó khăn thử thách của cơ chế thị trường. Những chủ trương bất hợp lý trước đây như cắt bỏ giường nhân viên trực trên toa xe khách, xóa chế độ cấp giấy đi tàu việc riêng cho CBCNV đã được phục hồi, chỉnh sửa ; làm mới buồng vệ sinh cho nhân viên trực gác ghi theo lộ trình ưu tiên trước cho các ga thị trấn thị xã trong điều kiện chưa đủ kinh phí, một số điểm như ga Hà Nội có buồng vệ sinh trong ga để khách sử dụng không thu thiền ; tu bổ các toa xe chở khách, cải tiến công tác phục vụ ăn uống trên tàu, cải tiến phương pháp bán vé…Và, tin đáng mừng về một chủ trương lớn sẽ tác động tốt đến hoạt động kinh doanh vận tải của ngành là phân cấp quản lý theo mô hình khu vực bao gồm cả vận tải hành khách và hàng hóa quy về một mối chỉ huy - điều độ gần như mô hình 3 XN liên hợp vào những năm cuối thế kỷ trước. Nếu chủ trương này có thật và sớm triển khai thực hiện thì ngành Đường sắt sớm ổn định để từng bước phát triển kịp theo xu thế đổi mới của xã hội. Tất nhiên, làm không dễ như nói và khoảng cách giữa chủ trương trên văn bản với hiện thực kết quả là một quá trình không ít gập ghềnh, đòi hỏi sự thống nhất từ trên xuống dưới !

Nhìn những thay đổi mới có triển vọng, mong thời gian và cơ hội tốt lành giúp ngành Đường sắt thành công, từng bước đi lên vững chắc, đời sống CBCNV không quá thua em kém chị như 10 năm đầu thế kỷ 21 !

20-12-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét