Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

CÂU ĐỐI KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN !

Tự điển Hán-Việt Thiều Chửu không có chữ TẢI, chỉ có chữ TÁI. Nhưng theo Đại tự điển chữ Nôm thì chữ TÁI âm Hán Việt đọc là TẢI với nghĩa trọng tải, vận tải, áp tải và như chữ TỂ (quan Thái Tể). 


BÁCH NIÊN THỂ PHÁCH HOÀN THIÊN ĐỊA
VẠN TẢI TINH THẦN TẠI TỬ TÔN.
Được dịch nghĩa: Trăm năm thân xác trở về trời đât / Ngàn đời tinh thần ở tại cháu con.

Tôi không dám lý luận, chi nôm na phân tích như sau:
1) Câu đối này, chỉ sự trường tồn về danh giá của một dòng họ, không thể dùng VẠN TẢI để đối với BÁCH NIÊN ! Bởi cặp từ BÁCH NIÊN là chữ chỉ số + chữ chỉ danh từ, mà cặp từ VẠN TẢI là chữ chỉ số + chữ chỉ động từ. Về văn chương thì lạc nghĩa, về câu đối thì thất niêm (VẠN TẢI không thể đối với BÁCH NIÊN) !

2) Chữ VẠN TẢI rành rành ra đó, nhưng lại dịch là ngàn đời. Đã viết được câu đối, chẳng lẽ nhầm tưởng chữ TẢI (vận tải) giống chữ ĐẠI (đời) và chữ BÁCH (trăm) giống chữ THIÊN (nghìn) ? Dịch sai do hiểu sai, hiểu sai nên cấu trúc câu đối sai. Người ta hiểu VẠN TẢI là NGÀN ĐỜI nên đem đối với BÁCH NIÊN là TRĂM NĂM. Nếu có người hỏi:: VẠN TẢI là gì ? Ngoài các vị ấy ra, có ai dám trả lời: VẠN TẢI là NGÀN ĐỜI hoặc VẠN ĐỜI không ? Chỉ có thể trả lời đúng nghĩa của nó là VẠN LẦN TẢI. Dù không phù hợp với nội dung câu đối nhưng cũng chỉ sự bền bỉ lâu dài, vì đời người tiến hành vạn lần tải (gánh vác mang xách thồ kéo) thì cũng đáng khắc bia đá lưu truyền rồi, hay thật (!) Thầm nghĩ trên thế gian này, nhất là trong lĩnh vực văn chương, hiếm có những cái hay như rứa !

3) Với nội dung, văn cảnh câu đối trên thì chỉ cần chỉnh sửa rất đơn giản: Thay chữ TẢI bằng chữ ĐẠI 伐  (đời) là được:
 Trăm năm thể phách hoàn thiên địa
Vạn đại tinh thần tại tử tôn.

Kính thưa các vị Túc Nho, thưa các Thi huynh Thi Hữu và các bạn
Luận bàn về một bài văn thì khó có sự đồng thuận, bởi mỗi người cảm nhận văn học mỗi khác, nhưng giám định về chữ và nghĩa của một từ Hán hay Nôm thì dễ đồng thuận bởi có tự điển trọng tài, không thể ai cãi nhằng với ai được. Tôi mong các vị thẳng thắn chỉ giúp tôi nói sai chỗ nào, đúng chỗ nào để lấy đó làm bài họ. Còn các vị viết và sử dụng câu đối ấy, có tranh luận cũng xin được dẫn theo sách vở rõ ràng, trên tinh thần tôn trọng nhau và luận cứ học thuật, tránh "nổi khùng", bởi dù sao thì chúng ta cũng đang bàn về văn hóa.

Xin chân thành cảm ơn trước !
20-7-2018
Lê Khả Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét