TÔI GẶP MAY
.Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hỉnh là câu nói của người xưa về quan hệ giao tiếp trong địa hạt văn chương. Có khi đọc những tác phẩm hay, người đọc nhớ mãi tên tác giả, dù chưa một lần gặp mặt ; thậm chí không có tên tác giả (như ca dao, tục ngữ thuộc dòng văn học dân gian), vẫn nhớ tác phẩm đã đọc. Với tác phẩm ấy, người đọc không cần nhìn thấy tác giả, mà chỉ nghe tên là đã trân trọng !
Vừa rồi, qua ông bạn Nguyễn Tư Cuông, cựu Bí thư Đáng úy, Giám đốc của ngành Đường sắt, tôi được ông Lê Văn Bài (bạn chưa từng quen biết) tặng cho quyển sách SƯU TẦM và KHẢO CỨU CÂU ĐỐI VIỆT NAM. Trong lời đề tặng, Ông viết: Kính tặng bác Lê Khả Sỹ cùng gia đình. Đợi sự phê bình văn học của bác. Tôi rất cảm động nhưng vì phải nằm Viện dài ngày nên chưa viết giới thiệu được. Xin lỗi bạn Lê Văn Bài !
Tôi đọc quyến sách bạn tặng, viết những nhận xét sau đây chỉ để tỏ lòng kính trọng, không làm cái việc như bạn mong đợi là phê bình vă học dành cho quyển sách này, bởi tôi không đủ trình độ.
Trước hết, xin cảm ơn bạn đã qua ông Nguyễn Tư Cuông tặng cho tôi quyển sách ; xin cảm ơn ông Nguyễn Tư Cuông, một Cán bộ lãnh đạo mà quan tâm đến văn học, quả là hiếm thấy trong thời nay ! Về quyển sách bạn tặng tôi có tên SƯU TẦM và KHẢO CỨU CÂU ĐỐI VIỆT NAM ; đọc tên quyển sách đã thấy sự cẩn trọng của tác giả và sự thông hiểu về thể loại của tay bút xứ Thanh ! Mặc dù trong đó có những câu đối bạn khéo léo giải nghĩa, giới thiệu thay lời bình thấu đáo. Hơn nữa, các câu đối được bạn khảo cứu không thuộc loại “xô bồ” như nhiều tác phẩm được đưa lên công luận nhưng chính người giới thiệu cũng không hiểu “nó là cái gì”, thuộc đề tài gì và thuộc thể loại nào. Bởi không có “nghề phê bình” ! Đây, hoàn toàn khác khi các câu đối được bạn chọn lọc trong mớ hỗn tạp chữ nghĩa văn chương ta thời hiện đại. (Ở trên tôi nói không có nghề phê bình. Bởi nó là cái nghề tôi được học, nhưng luận văn tốt nghiệp ĐẤT VỠ HOANG thì phê bình cái gì ? Nông trang của họ khác chi tổ đổi công của ta lúc đó, lấy đâu ra văn học mà phê với bình).
#
Tiếp đến xin có đôi lời đề cập đến quyển sách bạn cho tôi. Đây là vấn đề mới mẻ đối với Lê Khả Sỹ, bởi tôi chỉ sáng tác câu đối ; hàng năm vào dịp Tết thì đăng báo, sau này có trang mạng, chủ yếu là cho các NXB in kinh doanh, họ trả nhuận bút theo quy định 10% giá bìa, nhưng nhờ số lượng bản in nhiều, thành ra thu nhập hơn các báo đăng. Chứ chưa bao giờ làm cái việc khảo cứu về thể loại này vì sợ đụng vào phê bình là lôi thôi ở thời buổi người ta chỉ thích khen… Riêng quyển SƯU TẦM và KHẢO CỨU CÂU ĐỐI VIỆT NAM của bạn, tuy không dám bình luận nhưng cũng cảm nhận được những điều có ích cho mình (không dám nói cho xã hội).
Bạn viết quyển sách này khá công phu, không thể chê vào đâu về cách sắp xếp trong giới thiệu và thận trọng trong việc dùng ngôn ngữ. Có thể nói, tay bút am hiểu câu đối Việt Nam khá sâu sắc, nói được điều giới sáng tác cần nghiên cứu. Đáng ghi nhận là bạn dẫn luận theo đúng nguyên bản, không như ở người khác tùy tiện, dẫn đến mắc lỗi về nguyên tắc của Luật xuất bản ! Trong bình luận, bạn cũng rất tế nhị ; không đụng chạm đến ai, cái mà công việc phê bình khó tránh !
Đặc biệt về câu đối của Hồ Xuân Hương, có những trường hợp rất khó giải nghĩa, (hoặc những câu đối không chuẩn niêm luật) thì bạn đã biết tránh, như câu: THIÊN TỬ TINH KỲ ĐƯƠNG BÁN NGUYỆT / TƯỚNG QUÂN THANH THẾ ÁP TAM THÙY. Bạn giỏi ở chỗ đó, nhưng cũng ở câu này, bạn quá câu nệ (nếu nguyên bản có thể hiện) khi chuyển từ Hán ngữ sang La tinh ngữ về dấu, thành ra thừa dấu chấm cuối ở vế trên ! (trang 179)
Tất nhiên, cả một quyển sách với công trình đồ sộ như vậy, mà Sỹ tôi chỉ ra một lỗi nhỏ, chẳng qua do “tính nghề nghiệp” của người đọc như tôi (!)
Tóm lại, xin gửi lời chúc mừng bạn đã cho xuất bản quyến sách rất có ích cho những ai thích tìm hiểu về câu đối Việt Nam ! Không dám tỏ lời khen, bởi khen một Cán bộ ngành Văn hóa của Đất Nhiều Vua, từng tu nghiệp ở Liên Xô thì có mà khen cả đời (!)
Kính chào bạn và Chúc gia đình ta luôn khỏe, vui, hạnh phúc !
22-9-2024
Lê Khả Sỹ
---------------------------
Ảnh: quyển SƯU TẦM và KHẢO CỨU CÂU ĐỐI VIỆT NAM của tác giả Lê Văn Bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét